Sự thật gây tranh cãi của siêu du thuyền dát 100.000kg vàng hay trò bịp?
(Dân trí) - Với giá trị lên tới 4,8 tỷ USD, đến nay xung quanh siêu du thuyền dát cả trăm nghìn kg vàng vẫn còn là điều bí ẩn gây tranh cãi.
Siêu phẩm gây nhiều tranh cãi trong lịch sử ngành hàng hải
Trong lịch sử ngành hàng hải, siêu du thuyền History Supreme không chỉ gây chấn động về giá trị hay lượng vàng được sử dụng, mà còn bởi nhiều bí ẩn xung quanh, tạo ra nhiều tranh cãi.
Theo mô tả, chiếc siêu du thuyền được phủ bởi 100.000kg vàng, bạch kim, đồ trang sức quý giá cùng bức tường làm từ đá thiên thạch với xương khủng long bạo chúa Tyrannosaurus Rex.
Được biết, bức tường đắt đỏ này được đặt tại phòng ngủ chính, với "món hàng chính hãng" lấy từ Arizona, Mỹ. Chỉ tính riêng phần xương đùi của khủng long bạo chúa đã có giá 83.000 USD.
Nhà thiết kế Stuart Hughes nổi tiếng người Anh vốn là "cha đẻ" tạo ra nhiều siêu phẩm đắt đỏ bậc nhất. Ông mất hơn 3 năm để hoàn thành công trình "hoành tráng" này.
Hughes cho biết, với số tiền 4,8 tỷ USD, phần lớn đổ vào số vàng và xương khủng long như nhắc tới ở trên. Riêng phần thân tàu, khu vực boong, nơi ăn uống, mỏ neo đều được bọc vàng nguyên khối. Trong khi đó, chỗ ngủ được phủ bằng bạch kim.
Nhưng điều đó chưa đủ để thấy hết sự sang trọng tới xa xỉ của siêu phẩm này. History Supreme còn có bể thủy sinh Aquavista Panoramic Wall nặng 68kg được bọc vàng 24 carat và một chai rượu sang trọng đính kim cương 18,5 carat - một trong những loại hiếm nhất thế giới.
Đến những bí ẩn chưa được giải thích
Và đương nhiên, mức giá 4,8 tỷ USD là con số "không tưởng". Không nhiều người trên thế giới đủ sức sở hữu nó.
Hughes cùng đơn vị thiết kế tại Anh cho biết, siêu du thuyền được một doanh nhân người Malaysia đặt mua.
Câu chuyện này nhanh chóng được truyền thông thế giới săn đón. Theo báo chí, doanh nhân Malaysia đã mua vào năm 2011 nhưng Hughes chưa từng gặp người này và không rõ người mua bí ẩn còn giữ chiếc thuyền sang trọng này không.
Theo Atlantic Yacht and Ship, danh tính người mua bí ẩn có thể là Robert Kuok - nhân vật giàu có nhất Malaysia. Vị doanh nhân này sở hữu Wilmar International, công ty kinh doanh dầu cọ lớn nhất thế giới, đồng thời là người sáng lập chuỗi khách sạn cùng khu nghỉ dưỡng Shangri-La.
Nhưng bí ẩn ở chỗ, người ta chưa từng nhìn thấy siêu du thuyền này ngoài đời thực. Báo chí chưa chụp được hình ảnh của nó neo đậu tại các bến cảng mà giới siêu giàu từng xuất hiện.
Tờ Business Insider cho biết, doanh nhân Kobert Kuok có giá trị tài sản ròng lên tới 12,5 tỷ USD, nhưng đã cải tạo lại dinh thự ở Hong Kong (Trung Quốc) để tránh phô trương sự giàu có.
Bài báo nhận định, đây không phải là hành vi của người sẵn lòng chi 4,8 tỷ USD cho chiếc du thuyền siêu đắt đỏ. Dù là người giàu nhất trong số 3 tỷ phú có tài sản ròng trên 5 tỷ USD ở Malaysia, nhưng tác giả bài viết vẫn cho rằng, con số 4,8 tỷ USD cho một chiếc du thuyền "rất chênh lệch".
Bởi vậy câu chuyện này mới dấy lên nhiều tranh cãi. Có ý kiến thẳng thắn cho rằng, History Supreme là một trong những trò lừa bịp lớn nhất của lịch sử ngành hàng hải.
Họ nhận định, chẳng thể có hàng tấn vàng nằm đâu đó trên mặt nước. Khối tài sản thậm chí còn đắt hơn cả siêu du thuyền Eclipse thuộc quyền sở hữu của tỷ phú người Nga Roman Abramovich giá hơn 1 tỷ USD. "Siêu phẩm" này vốn được trang bị cả hệ thống phòng thủ tên lửa, tiêu tốn hàng chục triệu USD chi phí bảo dưỡng mỗi năm.
Dẫu sao, đến nay cái tên History Supreme vẫn được xem như "huyền thoại" của ngành công nghiệp du thuyền, dù chưa xét tới tính thực hư. Khi được hỏi đâu là du thuyền đắt đỏ nhất, có lẽ History Supreme vẫn được gọi tên hàng đầu.