Sự tàn nhẫn "kinh hoàng" phía sau món đặc sản "gà hong gió" nổi tiếng
(Dân trí) - Vốn có tên gọi mỹ miều "gà hong gió" nhưng để làm được món đặc sản này là sự tàn nhẫn tới mức không phải ai cũng dám ăn.
Món ăn nổi tiếng của cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc, có cái tên khá lãng mạn - gà hong gió (feng gan ji).
Về cơ bản, đặc sản này có hương vị gần giống với thịt xông khói của phương Tây. Thịt được phơi nơi râm mát thoáng khí, để gió thổi tự nhiên. Đây là cách bảo quản thịt có thể dành trong vài tháng hoặc một năm.
Nhưng khác với cách làm các món gà thông thường, con gà để hong gió sẽ không được làm lông. Thay vào đó, nó bị mổ phanh lúc còn sống nguyên, bỏ nội tạng. Đây là thao tác đòi hỏi kỹ thuật của đầu bếp phải thật nhanh tay. Sau đó, con vật bị xát muối, ướp thảo mộc, gia vị vào bên trong. Tiếp theo, gà mới bị vặt lông rồi khâu lại và treo lên giàn phơi trước gió.
Nếu theo đúng phương pháp truyền thống, gà khi treo lên giàn phải đảm bảo "còn sống". Sự đau đớn khiến chúng từ từ chết. Qua sương gió, thịt bắt đầu khô lại, gia vị và thảo mộc ngấm dần vào bên trong. Tới khi thịt gà trở nên khô quắt, ngấm gia vị sẽ được mang lên bàn ăn phục vụ thực khách. Tuy nhiên, sự thực "khốc liệt" này khiến không phải ai cũng đủ dũng khí để nếm thử.
Theo quan niệm của người dân địa phương, việc để gà còn sống trong quá trình chế biến nhằm đảm bảo sự tươi ngon của từng thớ thịt, giúp cân bằng âm dương, thậm chí có thể coi là "món ăn đại bổ".
Mặc dù vậy, món đặc sản này đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận bởi với nhiều người, cách làm này gây ra nhiều "sợ hãi".
Trên thực tế, phương pháp truyền thống kể trên hiện chỉ phổ biến ở Tây Tạng. Trong khi nhiều thành phố khác tại Trung Quốc cũng phục vụ món "gà hong gió" nhưng cách chế biến đơn giản hơn.
Con vật sẽ bị cắt tiết và sơ chế trước đó rồi mới ướp hương liệu trước khi mang đi phơi. Qua đó giúp chúng giảm bớt sự đau đớn. Món ăn được nhiều người ưa chuộng bởi dễ bảo quản, thịt thơm, không ngấy ngán dầu mỡ.