Sự hồi sinh khó tin của loài "thủy quái" nước ngọt khổng lồ sông Amazon
(Dân trí) - Sau thời gian dài đối diện với nguy cơ biến mất vĩnh viễn, hiện số lượng cá hải tượng long - sinh vật có thể nặng tới 200kg đang có dấu hiệu gia tăng trở lại.
Sự biến mất của loài "thủy quái" lớn nhất sông Amazon
Sinh sống ở lưu vực sông Amazon, hải tượng long là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Chúng có thể đạt chiều dài 3m, nặng 200kg. Nhờ khả năng hít thở không khí cho phép loài cá này tồn tại ở cả vùng nước có nồng độ oxy thấp hay sống sót tại môi trường ngoài mặt nước trong vòng 24h.
Sinh vật này được tìm thấy chủ yếu ở các hồ gồm khu vực Medio Jurua, Brazil. Tờ Guardian (Anh) từng mô tả loài này là "thủy quái" khổng lồ sông Amazon.
Kích thước khổng lồ mang tới nhiều lợi thế cho loài cá này. Thậm chí, chúng còn chống chọi được những cuộc tấn công của cá piranha.
Tuy là "kẻ hủy diệt" những động vật sống trong môi trường nước ngọt, nhưng hải tượng long cũng có "điểm yếu" chí mạng, đó là thịt rất ngon. Thịt của chúng được mô tả thơm ngon như cá tuyết, ít xương, vị ngọt đậm, được nhiều thực khách ở những thành phố lớn trên khắp Brazil ưa chuộng.
Chính vì nhu cầu tăng dẫn tới nạn đánh bắt quá mức khiến số lượng hải tượng long giảm dần. Vào những năm 1990, giới chức Brazil từng áp dụng nhiều biện pháp cấm đánh bắt loài này, nhưng nạn săn bắt trái phép vẫn diễn ra.
Theo số liệu thống kê từ AFP, báo cáo của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2019, 83% số cá bị đánh bắt bất hợp pháp ở Brazil là hải tượng long. Điều này dẫn tới nhiều khu vực của Amazon vắng bóng hoàn toàn sinh vật này. Có thể thấy, hải tượng long đối diện với nguy cơ tuyệt chủng.
Áp dụng hàng loạt biện pháp "rắn tay"
Cuối những năm 1990, với sự hỗ trợ của một vị mục sư Công giáo người Hà Lan, những thợ mủ cao su đã tổ chức chiến dịch kêu gọi chính phủ Brazil thành lập khu bảo tồn Medio Jurua. Nhờ đó, những cộng đồng sống ven sông có thể hưởng lợi từ khu bảo tồn này.
Thật vậy, giờ đây người dân địa phương trồng cây cao su, sản xuất dầu thực vật và bảo vệ rừng. Nhưng thành công lớn nhất phải kể tới việc số lượng cá hải tượng long bất ngờ tăng trở lại. Sinh vật này có sự hồi sinh khó tin.
Việc đánh bắt cá không thể tràn lan như trước mà được giám sát quản lý chặt chẽ. "Chúng tôi giám sát chặt chẽ, gạt bỏ những công ty đánh bắt cá hay ngư dân bất hợp pháp. Khi đi dọc trên sông, du khách sẽ không còn thấy cảnh những thuyền đánh bắt vi phạm, ngoại trừ thuyền của tổ chức chúng tôi", ông Manoel Cunha, người đứng đầu ở khu vực Medio Jurua, cho biết.
Được biết, đánh bắt hải tượng long diễn ra mỗi năm một lần vào khoảng tháng 9 hàng năm. Đây cũng là thời điểm mực nước sông xuống ngưỡng thấp nhất.
Nó là một trong số rất ít loài cá trên thế giới ngoi lên bề mặt nước để thở. Khi đó sẽ có cảnh tia nước lớn bắn lên theo cùng đó là cái đuôi đỏ đặc trưng lao khỏi mặt nước.
Một ngư dân địa phương và một nhà nghiên cứu ở vùng Mamirarua gần đó tận dụng đặc điểm này để đếm số lượng cá. Chính phủ Brazil cũng đã công nhận phương pháp đếm này.
Mỗi năm một lần, các ngư dân sẽ tiến hành đếm số lượng cá. Luật quy định, ngư dân chỉ được đánh bắt 30% số lượng cá trong tổng số tính mỗi năm trong năm kế tiếp.
Nhờ quy định đánh bắt có kiểm soát, số lượng loài này gia tăng trông thấy. Ví dụ như ở vùng Sao Raimundo, nơi có 1.335 con hải tượng long trong các hồ vào năm 2011, thì sau khi siết chặt kiểm soát, năm 2021 đã có tới 4.092 cá thể. Tương tự, khu vực Carauari vào năm 2011 chỉ có 4.916 con cá, thì tới năm 2021 đã lên tới 46.839 con.
Tại cộng đồng người sinh sống trên sông San Raimundo, nơi có 34 hộ gia đình sống trên các nhà bè, cá hải tượng long là nguồn thu nhập chính của họ, nhưng việc đánh bắt phải tuân thủ nghiêm ngặt.
Để bắt cá, ngư dân ở đây dùng loại lưới tự chế với những lỗ hổng đủ lớn để sinh vật nhỏ chui qua. Những con hải tượng long có chiều dài dưới 1,5m đều bị cấm đánh bắt.
"Thú vui" xa xỉ của đại gia
Tại những quốc gia Nam Mỹ như Peru hay Brazil, hải tượng long được nuôi làm cảnh khá nhiều. Thú vui này được đánh giá chỉ dành cho người có tiền vì nuôi dòng cá này khá tốn kém.
Khi trưởng thành, chúng ăn các động vật như cá nhỏ, côn trùng, ếch nhái. Thậm chí người nuôi còn bổ sung cả thịt lợn, thịt bò trong thực đơn hàng ngày của chúng.
Ở những nước nhiệt đới khu vực Nam Mỹ, chúng còn là món ăn khoái khẩu dù có giá thành không hề rẻ. Nó được mô tả "có lớp thịt chắc, thơm ngon như cá tuyết".