Sau vụ nổ tàu Titan, mọi con mắt đổ dồn về thú vui của giới siêu giàu
(Dân trí) - Khi cuộc điều tra liên quan tới tai nạn thảm khốc của tàu ngầm Titan được dự đoán có thể kéo dài tới 2 năm, thì một thú vui khác của giới siêu giàu lại trở thành tiêu điểm bàn luận - du lịch vũ trụ.
Thú vui của giới nhà giàu tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Du lịch vũ trụ thương mại đang trở thành tiêu điểm được truyền thông thế giới bàn luận trong những ngày qua sau vụ tai nạn thảm khốc của tàu ngầm Titan khiến 5 hành khách thiệt mạng khi đang trên đường tới thám hiểm xác Titanic.
Các chuyên gia nhận định, du lịch vũ trụ có nhiều điểm tương đồng với du lịch thám hiểm đại dương. Đó là không gian chật hẹp, hướng tới tệp khách hàng siêu giàu, các điểm đến xa xôi và di chuyển trên các phương tiện có thể "không được kiểm soát".
Khi thế giới đang mổ xẻ điều gì đã xảy ra với tàu ngầm của OceanGate, thì việc thiếu các biện pháp bảo vệ của con tàu làm dấy lên hồi chuông cảnh báo.
Những tàu lặn như Titan chưa được phân loại theo một quy trình đảm bảo và chưa kiểm tra theo những tiêu chuẩn được chấp nhận. Ở trường hợp tương tự, khi ngành du lịch vũ trụ tư nhân chưa chứng kiến một thảm họa nào ở quy mô như sự thất bại của OceanGate, thì vẫn có những rủi ro.
Theo Tiến sĩ Brian Weeden, Giám đốc lập kế hoạch chương trình của tổ chức phi lợi nhuận Secure World Foundation, các chuyến bay thương mại đưa con người vào vũ trụ "đang thiếu cơ chế giám sát an toàn".
"Có một mối lo ngại lớn rằng, không có các quy định an toàn nào sẽ đồng nghĩa với một số hoạt đồng mờ ám, dẫn tới việc du khách có thể bị tổn thương, thậm chí dẫn tới tử vong", Tiến sĩ Brian nhấn mạnh.
Luật hiện hành của Mỹ quy định, Cục Hàng không Liên bang không thể áp đặt các tiêu chuẩn an toàn đối với tàu vũ trụ thương mại đưa du khách khám phá vũ trụ. Điều đó có thể thay đổi ngay sau năm nay, trừ khi luật hiện hành được gia hạn.
Một số ít các công ty cung cấp những chuyến bay du lịch vũ trụ có thể kể tới SpaceX của tỷ phú Elon Musk, Virgin Galactic Holdings hoặc Blue Origin. Những khách hàng của họ đều thuộc giới siêu giàu bởi số tiền bỏ ra cao gấp nhiều lần so với các chuyến du lịch thông thường.
Ví dụ như với chuyến du hành vũ trụ dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6/2023 và chuyến thứ 2 vào tháng 8/2023 được Virgin Galactic giới thiệu, mỗi du khách phải bỏ ra khoảng 450.000 USD (hơn 10 tỷ đồng).
Tuy nhiên, du khách khi tham gia chuyến đi đặc biệt này đều dựa trên cơ sở "sự đồng thuận có hiểu biết". Điều này có nghĩa là họ thừa nhận rằng "việc tham gia các chuyến bay vào vũ trụ có thể dẫn tới thương tích nghiêm trọng, hoặc mất một phần chức năng thể chất hay tinh thần, thậm chí tử vong".
Trước những "con mắt dõi theo" của thế giới, đại diện của SpaceX cho biết, họ phát triển tàu vũ trụ Crew Dragon theo các yêu cầu an toàn của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia (NASA). Đây là phương tiện để SpaceX đưa phi hành gia của cơ quan này tới Trạm vũ trụ quốc tế.
Trong khi đó, Virgin Galactic và Blue Origin đều từ chối bình luận.
Cần chủ động trong các tình huống
Hiện tại, dù Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) không thể áp đặt các tiêu chuẩn an toàn, nhưng họ lại chịu trách nhiệm cấp phép cho tất cả những lần phóng tàu vũ trụ.
FAA đang cập nhật các phương pháp được khuyến nghị đối với sự an toàn của con người trên chuyến bay vũ trụ và làm việc để phát triển các tiêu chuẩn "đồng thuận tự nguyện".
Ông Frank Lucas, chủ tịch Ủy ban Khoa học, Không gian và Công nghệ Hạ viện Mỹ, cho biết, Ủy ban này "đang xem xét các quy định về du hành vũ trụ thương mại", nhưng không cung cấp bất cứ chi tiết cụ thể nào.
Giải thích lý do cho việc "thiếu giám sát" bởi ngành du lịch vũ trụ hiện vẫn đang "trong thời kỳ học hỏi" giống như ngành hàng không thương mại trong những năm đầu tiên.
Cơ chế của du lịch vũ trụ thời điểm này có những điểm khác biệt so với cơ chế hoạt động thám hiểm đại dương. Ví dụ, các chuyến bay của Blue Origin và Virgin Galactic "không thực sự có nguy cơ bị lạc". Nếu chúng không đi vào quỹ đạo, lực hấp dẫn sẽ đưa chúng trở lại trái đất.
Dù các công ty vũ trụ cho biết họ thực hiện nhiều thử nghiệm và nhấn mạnh cam kết tính an toàn, nhưng vẫn có rủi ro.
Ví dụ, vào tháng 7/2021, khi Virgin Galactic đưa tỷ phú Richard Branson vào vũ trụ, con tàu đã đi chệch khỏi đường bay dự kiến.
Năm 2022, một tên lửa của Blue Origin dùng để chở khách đã bị rơi khi động cơ gặp sự cố. Rất may không có ai trên tên lửa thời điểm đó.
Hiện du lịch vũ trụ đang trên đà phát triển khiến các chuyên gia cho rằng thời điểm này cần có những luật quy định rõ ràng.
"Tôi rất muốn chính phủ, giới học giả cùng nhau thảo luận đưa ra điều gì đó xem tất cả đồng thuận hay không. Nếu tai nạn nghiêm trọng xảy ra sẽ rất tệ", ông George Nield, Chủ tịch Commercial Space Technologies, bày tỏ quan điểm.