Sao Hollywood sang Việt Nam mất ví: Doanh nghiệp và nhà quản lý nói gì?

(Dân trí) - Ngành du lịch Việt lại vừa đón nhận những thông tin chẳng mấy vui vẻ khi mới đây, ngôi sao điện ảnh Gerard Butler tiết lộ bị mất chiếc ví khi anh đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất không lâu.

Sao Hollywood sang Việt Nam mất ví: Doanh nghiệp và nhà quản lý nói gì?

Tất cả các thông tin đó được nhanh chóng lan truyền trong cư dân mạng, khiến nhiều doanh nghiệp du lịch và cả những nhà quản lý hết sức lo lắng. Ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, ở đâu cũng có thể xảy ra những vụ việc như thế này, chính vì vậy ngoài việc nâng cao nhận thức của người làm du lịch, chúng ta phải nâng cao nhận thức của tất cả nhân dân, và chúng ta phải huy động toàn dân đón du lịch chứ không phải chỉ có doanh nghiệp mới đón khách du lịch. Đây là một việc làm lâu dài, chứ không phải ngày một ngày hai chúng ta có thể làm được.

Nói về vấn đề văn minh của người bản địa đón du khách quốc tế, ông Thắng kể ra một câu chuyện trong chuyến công tác sang Nhật mới đây. Đó là trường hợp một người phụ nữ trong đoàn của ông trước khi ra sân bay trở về nước, người này phát hiện ra mình đã để quên chiếc điện thoại trong khách sạn, và người khách Việt Nam đã tới phòng cảnh sát nước sở tại thông báo sự việc. Và thật không ngờ, người phụ nữ này nhận được sự trấn an của văn phòng cảnh sát rằng, nếu là người Nhật nhặt được thì cô hoàn toàn yên tâm về tài sản bỏ quên của mình. Và đúng như lời hứa, sau khi kê khai mọi thủ tục cần thiết, chỉ trong thời gian ngắn tài sản của vị khách Việt Nam đã được nhân viên văn phòng cảnh sát mang trao trả tận tay người nữ du khách Việt Nam.

Ngôi sao Hollywood trong phim bom tấn 300 thông báo mất ví có thể trong khi đi du lịch ngắn ngày tại Việt Nam khiến nhiều người không khỏi lo lắng vì bộ mặt du lịch quốc gia sẽ bị ảnh hưởng.
Ngôi sao Hollywood trong phim bom tấn 300 thông báo mất ví có thể trong khi đi du lịch ngắn ngày tại Việt Nam khiến nhiều người không khỏi lo lắng vì bộ mặt du lịch quốc gia sẽ bị ảnh hưởng.

“Người Nhật có một nguyên tắc khi nhặt được của đánh rơi bao giờ họ cũng nộp ngay cho văn phòng cảnh sát gần đó và thông báo hoàn cảnh họ nhặt được. Chính vì thế, việc trả lại đồ cho du khách khi bị thất lạc ở Nhật được tìm lại khá dễ dàng và không gây nhiều phiền toái”, ông Thắng chia sẻ thêm.

Trả lời PV Dân trí về vấn đề này bà Trần Thị Bảo Thu – Giám đốc Tiếp thị & Truyền thông Fiditour cho rằng, trước vấn nạn trên, việc đảm bảo an toàn cho du khách cả về tài sản lẫn tính mạng là điều quan trọng nhất. Chính vì vậy, trong khả năng mình, các công ty du lịch luôn nhắc nhở, cảnh báo du khách về các vấn đề này.

“Chúng tôi không chỉ thường xuyên lưu ý với những du khách quốc tế đến Việt Nam, tham quan trong địa bàn TP.HCM, mà với các du khách đi tour nước ngoài cũng vậy. Những hướng dẫn viên của chúng tôi luôn thông báo cho du khách lưu ý những thủ đoạn cướp giật của tội phạm, hướng dẫn cho họ cách phòng ngừa, ứng phó giữ gìn tài sản cá nhân khi đi trên đường, nhất là ở những điểm tham quan đông người như: không nên để tất cả những món đồ quan trọng và giá trị như điện thoại, ví tiền, hộ chiếu…

Trong ba lô, túi xách hay túi quần; không nên nghe điện thoại trên đường; cẩn thận khi chụp ảnh (nhất là sử dụng máy ảnh mini); tránh đi một mình hay đi vào đêm khuya. Việc cảnh báo này với du khách nước ngoài khi đến du lịch tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có thể khiến du khách e ngại, cũng như thiếu ấn tượng tốt về du lịch Việt Nam nhưng vì sự an toàn của du khách nên các công ty du lịch buộc phải lưu ý với du khách về những vấn đề này”, bà Thu chia sẻ.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, vấn nạn du khách bị cướp giật tài sản xảy ra trong thời gian gần đây hầu hết đều diễn ra tại khu vực trung tâm thành phố, nơi tập trung lượng lớn du khách nước ngoài đến tham quan. Đa phần du khách bị giật đồ là những người đi du lịch riêng lẻ, du lịch bụi thường mang theo túi xách, máy ảnh đắt tiền dọc theo các tuyến đường, điểm tham quan, ... ở trung tâm. Đây là “tâm điểm” của tội phạm cướp giật bởi chỉ cần chút sơ hở sẽ tạo cơ hội để thực hiện hành vi phạm tội.

Trước hai sự cố đáng tiếc xảy ra tại TP HCM vừa qua, ông Phạm Văn Bảy, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Du lịch Vietravel nêu quan điểm, chúng ta không chỉ đón khách bằng chất lượng dịch vụ mà chúng ta cần đón khách bằng cả tấm lòng.

“Sự việc như vậy là một điều không đáng có khi mà chúng ta đang cố gắng quảng bá hình ảnh Việt Nam đẹp và thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế. Chúng ta đã có cảnh quan, dịch vụ giờ chỉ cần sự thân thiện là đủ”, ông Bảy nói.

Trong một diễn đàn nói về văn hóa người Việt, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty dã ngoại Lửa Việt từng cảnh báo gay gắt: “Trong thời đại bùng nổ internet, chỉ cần vài phút sau sự cố, cả thế giới đã tỏ tường, không thể giấu diếm hoặc lấp liếm qua chuyện. Khi vui, thường gặp người thân mới chia sẻ, nên việc tốt 1 nhân 10. Sẵn bực, thì mới quen cũng sẵn sàng trút bầu tâm sự, nên việc xấu 1 nhân 100. Cực kỳ nguy hại”.

Hữu Thắng - Xuân Ngọc