Săn “hàng độc” ở rừng làm đặc sản

(Dân trí) - Sau khi biết mối chúa có thể xem như một thần dược bổ thận, tráng dương, loài côn trùng này bỗng trở thành đặc sản quý hiếm được săn lùng như vàng. Có thời điểm, giá bán mối chúa lên tới 70.000 đồng/con.

Mối là loại côn trùng sống theo bầy đàn. Mối chúa, hay còn được biết đến với tên mối hậu có màu trắng đục và kích thước to bằng ngón tay cái. Mối chúa thường dài khoảng 10 - 15mm, đầu nhỏ, bụng to hơn các loại mối khác để sinh sản, đẻ trứng. Thoạt nhìn, người ta có thể thấy nó như một con sâu đất “khủng”.


Cận cảnh loài mối chúa được săn lùng làm đặc sản.

Cận cảnh loài mối chúa được săn lùng làm đặc sản.

Mối chúa có tuổi thọ trung bình lên đến 10 năm. Những năm đầu tiên trong vòng đời của mình, loại mối này chỉ sinh rất ít trứng. Khoảng 4 đến 5 năm sau, khi mối chúa phát triển hoàn thiện thì có thể sinh từ 8000 đến 10000 trứng mỗi ngày. Thực hiện xong nhiệm vụ sinh sản của mình, mối chúa sẽ chết.

Việc “săn” mối chúa thường thấy ở núi rừng Tây Nguyên, một số các tỉnh miền Trung và Đông Nam Bộ như An Giang, Phú Yên, Bình Thuận,….

Tháng 5 và tháng 6 là thời điểm mối chúa giao phối và sinh sản. Sau 10 ngày, mối chúa bắt đầu đẻ trứng, sau hai tháng thì mối thợ và mối lính sẽ ra đời. Lúc này, lượng mối phát triển khá nhiều nên người dân dễ dàng tìm được tổ mối để đào bắt mối chúa. Do đang trong mùa sinh sản nên mối chúa thường cho chất lượng tốt nhất.


Mối chúa thường chiếm một diện tích lớn trong ổ.

Mối chúa thường chiếm một diện tích lớn trong ổ.

Thường thì mỗi ụ mối rừng sẽ có 2 mối chúa, một mối chúa to và 1 mối chúa nhỏ nằm bên cạnh. Trong quá trình đào bắt, những người đào tìm sẽ chỉ bắt mối chúa to còn để mối nhỏ lại để tiếp tục công việc sinh sản, tránh hiện tượng cạn kiệt.

Những người có kinh nghiệm cho biết, mối chúa thường làm tổ trong khu vực đất cứng, dạng tổ ong và nhô lên cao so với mặt đất bằng phẳng. Phải là người trong nghề, chuyên đi bắt mối chúa mới có thể tinh ý phát hiện được ổ của chúng.

Khi thấy phần gò đất cao khả nghi, họ phải dùng cuốc, xẻng đào vào sâu bên trong để tìm ổ mối. Ổ mối chỉ vỏn vẹn như một cục đất tổ ong nhỏ. Khi người bắt cầm ổ mối vừa tìm thấy lên, từng đàn mối lính, mối thợ lao ra tua tủa ra nhằm bảo vệ chúa và đánh đuổi kẻ đang phá hoại hang ổ mình. Để bắt được mối chúa ẩn nấu bên trong, buộc phải dùng dao, cuốc phá hủy phần đất cứng này.

Mối chúa luôn rất đắt khách mỗi khi đến mùa. (Ảnh: thegioicontrung)
Mối chúa luôn rất đắt khách mỗi khi đến mùa. (Ảnh: thegioicontrung)

Người đi bắt mối chúa chuyên nghiệp ai cũng nắm vững một quy tắc: chất dinh dưỡng của mối chúa nằm trong bụng mỗi con. Chính vì vậy nên khi đưa mối ra khỏi tổ, người đi săn sẽ phải cho ngay con mối vào một bình rượu gốc để tránh phần bụng bị vỡ do tiếp xúc với không khí. Bắt được con nào phải đưa ngay vào bình con đó, sau đó mang về mới dùng chế biến món ăn.

Mối chúa thường được bán vào các nhà hàng, chế biến theo nhiều cách, từ nướng, chiên, hấp, tới salad sống…, nhưng được biết đến nhiều nhất vẫn là để ngâm rượu và được nam giới rất ưa thích.

Cách làm các món ăn từ mối và cách ngâm rượu mối chúa đều rất đơn giản. Mối đem về chỉ cần rửa qua nước sạch, để ráo rồi dùng một ít rượu ngâm trong 3 phút cho mối sạch hẳn và vớt ra. Cuối cùng, cho mối vào bình rượu ngâm trong 2 – 3 tháng là có thể dùng được.

Rượu mối chúa được coi như thần dược giúp bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực. (Ảnh: thegioicontrung)
Rượu mối chúa được coi như "thần dược" giúp bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực. (Ảnh: thegioicontrung)

Tuy nhiên, muốn rượu ngon và có công dụng phải chọn rượu trên 40 độ. Cứ 10 con mối chúa thì ngâm với 500ml rượu và chỉ nên uống vào buổi tối với liều lượng 100ml. Nhiều người còn cho thêm sâm vào bình rượu ngâm mối chúa để tăng hiệu quả. Mối chúa ngâm rượu không hề có mùi tanh, trái lại còn làm vị thơm nồng của rượu tăng thêm.

Ngày trước, người dân chỉ cần vào rừng khoảng 1 tiếng đồng hồ là có thể kiếm được cả chục con mối chúa về chữa thấp khớp, đau lưng. Nhưng từ khi biết trong mối chúa tập trung nhiều chất dinh dưỡng, có thể coi là vị thuốc tăng cường sinh lý, đặc biệt tốt cho người yếu thận thì loài côn trùng này bỗng trở thành đặc sản. Từ các quán xá, nhà hàng đến thực khách phương xa đều săn lùng mối chúa như tìm vàng và sẵn sàng trả mua với giá cao.

Ngày nay, mối chúa đang ngày càng trở nên khan hiếm. Dù giá mối tăng dần theo thời điểm và kích thước nhưng vẫn không đủ để phục vụ nhu cầu của người dân. Theo đó, mối chúa loại nhỏ có giá 25.000 - 300.000 đồng một con, loại dài hơn 10cm có thể bán với giá tới 70.000 đồng.

Hoàng Ngọc

Tổng hợp