Sân bay náo loạn vì du khách giấu vỏ đạn pháo trong hành lý
(Dân trí) - Một sự cố hy hữu xảy ra tại sân bay Ben Gurion của Tel Aviv (thủ đô Israel) khi một hành khách ngoại quốc bị phát hiện có đem theo đạn pháo giấu trong hành lý khiến nhiều người hoảng loạn bỏ chạy.
Tình trạng hỗn loạn xảy ra tại sân bay Ben Gurion của Tel Aviv (thủ đô Israel) hôm 29/4 sau khi lực lượng an ninh phát hiện một quả đạn pháo nằm trong hành lý của một du khách người Mỹ. Ngay lập tức, sân bay được đặt vào tình trạng báo động. Nhiều hành khách hoảng loạn bỏ chạy, thậm chí nằm rạp xuống sàn vì sợ xảy ra vụ nổ.
Sau khi kiểm tra, nhà chức trách Israel cho biết, món vật này thuộc về một gia đình người Mỹ. Trước đó, họ đã tới thăm vùng cao nguyên Golan ở Israel và tìm thấy một vỏ đạn cũ nên muốn mang về nhà làm vật kỷ niệm.
Cao nguyên này từng chứng kiến cuộc giao tranh ác liệt giữa Syria và Israel trong cuộc chiến vào năm 1967. Tàn tích từ cuộc chiến năm xưa hiện vẫn nằm rải rác trên khắp cao nguyên với nhiều hàng rào dây thép gai, vỏ đạn và mìn.
"Thời điểm làm thủ tục kiểm tra hành lý, nhân viên an ninh thấy mảnh vỏ đạn nên đã sơ tán toàn bộ khu vực hành khách ngay lập tức", người đại diện sân bay Ben Gurion cho biết.
Khi nhận lệnh sơ tán do lo ngại nguy cơ tấn công khủng bố, rất nhiều hành khách tại nhà chờ khởi hành rơi vào tình trạng hoảng loạn lo sợ bị khủng bố tấn công. Thời gian qua, hàng loạt các vụ tấn công xảy ra trên khắp Israel khiến 14 người thiệt mạng.
Theo giới chức địa phương, quả đạn pháo có vẻ ngoài cũ kĩ nhưng chưa phát nổ. Cuối cùng, khi lực lượng an ninh loại trừ mọi mối nguy hiểm, các hành khách được phép quay lại sân bay.
Sau cuộc điều tra ngắn, gia đình du khách người Mỹ được phép lên máy bay quay về quê nhà. Nhưng tất nhiên, họ phải để lại "món đồ lưu niệm" của mình.
Một sự cố tương tự từng xảy ra vào tháng 3/2019 tại sân bay Sheremetyevo ở thủ đô Moscow, Nga. Khi các nhân viên an ninh phát hiện vật thể giống đạn pháo cối trong hành lý của vị khách người Mỹ, họ buộc phải phong tỏa một phần sân bay rồi cử chuyên gia xử lý bom mìn tới hiện trường.
Khi kiểm tra, các chuyên gia cho biết, vỏ đạn pháo tuy còn nguyên kíp nổ nhưng không chứa chất nổ bên trong. Còn du khách người Mỹ giải thích ông đã mua vỏ đạn về làm quà lưu niệm vì trước đó người này có sưu tập các vật thể tương tự. Cuối cùng, nhân viên an ninh Nga không cho phép vị khách này mang vỏ đạn về Mỹ.