Rừng U Minh Hạ: Nơi con lươn cũng thành tinh

Từ Bạc Liêu đến thành phố Cà Mau hơn 70 cây số. Khởi hành lúc 1h15 thì 2h30 đến nơi. Vậy là khi xe về bến, tôi tiện thể leo lên luôn một chiếc xe buýt khác về U Minh Hạ.

Rừng U Minh Hạ: Nơi con lươn cũng thành tinh - 1

Về U Minh 50 cây số, vậy mà xe đi mất hai tiếng. Mất có 16.000đ tiền vé nhưng xe buýt khá tồi tàn. Con đường chủ yếu chạy dọc một dòng kênh tưởng như dài bất tận. Nhà xe thả tôi xuống thị trấn U Minh Hạ, nơi chỉ có một quán nước, đồng thời được coi là bến xe buýt của thị trấn. Giờ như thế nào nữa đây?

1. Trước khi đi tôi không kịp có thời gian để tìm hiểu về Cà Mau và U Minh Hạ nên cứ tưởng xuống xe là đã được vào rừng, thậm chí còn tưởng U Minh chỉ cách Cà Mau không bao xa. Giờ tìm hiểu thông tin vỉa hè thì được biết: Rừng U Minh cách thị trấn hơn 20 cây số. Có hai cách để đi vào rừng: Một là thuê xuồng (vỏ) của công ty du lịch để theo đường kênh sẽ mất hơn một tiếng; hai là thuê xe ôm chở vào rừng mất 30 phút. Chuyến xe buýt cuối cùng quay về thành phố sẽ rời bến lúc 6 rưỡi tối. Thị trấn không có taxi, không còn một phương tiện nào khác quay trở về ngoài xe buýt. Trong thị trấn cũng có một vài phòng trọ, đương nhiên là không đủ tiện nghi cho lắm.

Chiếc balô trên vai tôi trở nên nặng trĩu, hoang mang giữa ngã ba thị trấn heo hút. Vậy là chỉ còn hai tiếng để đi vào rừng. Bác xe ôm đứng im chờ đợi, khẳng định rằng sẽ đưa tôi về kịp giờ xe buýt, kèm theo cam kết: “Nếu không kịp, tui sẽ chở cô về tận Cà Mau miễn phí”. Không nhẽ ngồi hai tiếng trong chiếc xe không máy lạnh nóng như thiêu trên con đường đầy ổ gà rồi lại về không? Tôi quyết định ngồi lên xe bác xe ôm đen cháy. Bác ta chạy thẳng lên cây cầu cao ngất, hẹp như chỉ dành cho người đi bộ bắc ngang sông Cái Tàu chảy xiết. Trải nghiệm như phim hành động kiểu này khiến tôi hãi quá kêu lên: “Thôi cho xuống đi bộ”. Bác xế thản nhiên phóng qua cây cầu kêu rùng rùng: “Sợ hả? Chưa gì đâu, còn nhiều chuyện hay nữa cơ”. Ôi trời. Tôi thốt nhiên thấy hối hận.

Rừng U Minh Hạ: Nơi con lươn cũng thành tinh - 2

2. Cái cảm giác ấy ngày càng tăng khi bác xế ôm chạy ngoằn ngoèo vào một khu chợ có mái che chật hẹp, bẩn thỉu rồi phi ra một con đường đầy bụi rậm ven bờ kênh. Đường đất bụi mù gồ ghề rộng đủ cái bánh xe. Cỏ gà quờ vào chân trần tôi lật phật và cành lá trên đầu sà xuống táp vào trán. Tôi đề nghị bác xế đi chậm lại một chút, nhưng có vẻ như cái sức ép trước lời hứa sẽ phải chở tôi về Cà Mau miễn phí khiến bác vẫn tiếp tục giữ tốc độ tử thần.

Con đường có nhiều rãnh hẹp thông qua hai con kênh chạy hai bên và người ta chỉ bắc qua rãnh vài miếng ván đã ải. Chiếc xe tiếp tục làm xiếc qua những “tấm gỗ đồ chơi” cho đến khi chạy dọc một sườn nhà nằm nhô ra bờ nước, một lối đi giống như thể để gia chủ chạy ra sau vứt rác xuống dòng kênh thì tôi thốt lên rằng: “Ai đi vào rừng cũng phải đi đúng lối này ư?”. Bác xế thú nhận rằng, còn một con đường chính khác nữa nhưng đi đường tắt này cho nhanh. Đây cũng là rừng rồi, cô cứ việc ngồi sau ngắm cảnh. Xung quanh cô là rừng tràm, còn ngày mai đi Đất Mũi, cô sẽ được xem rừng đước.

Nhưng tôi chẳng còn tâm trí đâu mà ngắm cảnh. Hơn nữa cảnh vật trôi nhanh vùn vụt chẳng thể nom thấy gì. Mãi sau lối mòn xuyên rừng mới bắt gặp đường chính, là một con đường trải nhựa hút dài chen giữa hai rặng chuối rừng và tràm tuyệt đẹp. Con đường này cũng chỉ mới mở được hai năm. Còn trước đây muốn xuyên rừng chỉ còn cách đi đường kênh hoặc con đường đất kinh hồn mà bác xế ôm vừa tải tôi qua. Tôi đã ở giữa U Minh Hạ, vùng đất của bác Ba Phi và những con cá sấu thành tinh, của rắn hổ mây ngóc đầu cao 4 mét, của loài muỗi rừng và ong bắp cày khổng lồ.

Lần này tôi kiên quyết bắt bác xe ôm giảm tốc độ để còn ngắm cảnh nhưng yêu cầu của hành khách vô tác dụng, những dòng kênh hẹp xanh rì bí ẩn giữa hai bờ lau lách vẫn cứ vùn vụt qua tầm mắt mà không thể nắm bắt. Những dòng kênh len lỏi giữa rừng già đúng như trong trí tưởng tượng của tôi, thậm chí còn huyền ảo hơn những gì có thể hình dung. Tôi ước giá có thêm chút thời gian trước chuyến xe buýt cuối cùng để có thể đứng lặng mươi phút nơi cửa rừng.

Xe đến nơi, bấm giờ thấy chạy ngót 30 phút. Nhìn lên tấm biển treo chỗ người bán vé thấy đề: Thuê vỏ (xuồng) đi dạo trong rừng U Minh 150.000/người/giờ, nửa giờ 80.000 đồng, vé tham quan 10.000 đồng. Tuy nhiên, rừng vắng teo và vỏ lãi cũng không có chiếc nào chờ sẵn dưới kênh. Cô gái bán vé cho biết, đang mùa cháy rừng nên không có vỏ, khách chỉ đi dạo bộ quanh đây thôi. Họ sợ du khách lỡ tay làm cháy rừng nên cửa rừng luôn bị đóng từ đầu mùa khô. Tôi lại lần nữa đi lạc mùa, bụng tiếc hùi hụi một chuyến ngồi xuồng khỏa nước trên những con kênh xanh ngắt để đi sâu vào lòng rừng. Khu vực cho phép khách dạo bộ bé tẻo teo, loanh quanh bằng cái công viên con.

U Minh Hạ lắm chuyện ly kỳ, rùng rợn từ thuở người đi mở đất Phương Nam. Mặc dù con cọp cuối cùng đã biến mất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu, cá sấu cũng không còn vắt vẻo trên bờ dưới sình như xưa nữa (giờ sấu hay châu chấu cũng bị người làm đặc sản hết sạch cả rồi), nhưng U Minh Hạ vẫn còn đó những câu chuyện rùng rợn về rắn khổng lồ nặng hàng tạ, dài cả chục mét. Ở miền rừng, dường như con gì cũng thành tinh. Đến giống lươn hiền lành cũng nặng tới... 2kg, mình to bằng cổ tay, da trơn nhẵn bóng. Chuột đồng ngót hơn cân thịt, không rõ đã sống lâu bao tuổi, người yếu bóng vía chẳng dám ăn. Có đoàn tình nguyện viên quốc tế đến U Minh Hạ vài ngày, khi về bị con muỗi rừng đốt sưng vù cả mặt, vết cắn u to bằng quả mận, bầm đen lại như quả táo Tàu, vài tháng sau vẫn còn vết thâm. Xưa đã có câu ca dao về vùng đất này: “Cà Mau là xứ quê mùa/Muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu”.

Rừng U Minh Hạ: Nơi con lươn cũng thành tinh - 3

Khô cá sặc bổi U Minh.

3. Lúc trên đường đi, bác xe ôm liên tục chỉ cho tôi những tổ ong. Bác bảo U Minh Hạ là nơi nghèo nhất tỉnh Cà Mau, giọng nói của bác nhẫn nhục và cam chịu, nhưng lúc khoe những tổ ong trong rừng tràm thì lại ánh lên vẻ tươi vui, tự hào. Mật ong U Minh Hạ vốn vẫn là đặc sản. Tổ ong to cỡ một người ôm không thấu, lợi nhuận từ ong cao. Vì thế mà dù đã đóng cửa rừng để cấm người xâm nhập nhưng dân ăn ong vẫn lén vào trái phép. Về nhà được một ngày thấy báo đưa tin: Riêng mùa khô năm nay đã có 14 đám cháy rừng lan rộng 60 hécta ở U Minh Hạ, mà tội vạ là do những người ăn ong vô ý làm tổn hại “rừng vàng”.

Chốn rừng thiêng nước độc mà nhà văn Sơn Nam, Đoàn Giỏi viết cả đời không hết tôi chẳng được mục sở thị. Hoặc giả nó chỉ còn là tiểu thuyết, hoặc vì tôi nhìn bằng con mắt khách viễn du, mà giờ chỉ thấy rừng già là một vừng xanh lãng mạn với lau sậy và cỏ lác kìn kịt nhô ra bao lấy những dòng kênh bất tận, không biết dẫn về chốn thâm u nào trong đại ngàn. Dưới lòng nước xanh lục, sen nở hồng dịu dàng. Sấu chỉ có vài chục con ngủ ly bì trong chuồng, nằm đờ như phiến đá mốc. Tôi bước khấp khểnh trong rừng, mắt cố dõi theo những chùm dây leo già cỗi, những muốn xuyên thấu vào sâu hơn mà chẳng thể. Trước mắt tôi, cành lá phủ kín như một bức mành dày bảo vệ những bí mật của rừng già. U Minh Hạ, đến rồi mà cuối cùng vẫn thấy mơ hồ và huyền bí như một cuốn sách cổ bị bong mất nhiều trang.

Tôi quay trở ra, bảo bác xe ôm chở về cho kịp chuyến xe cuối cùng. 30 phút dạo chơi U Minh Hạ. Chỉ có 30 phút để khám phá toàn bộ những gì mà nhà văn Sơn Nam cả đời cóp nhặt và biến chúng thành huyền thoại.

Theo Di Linh

LĐO