Rùng rợn ghé thăm “khu rừng tự sát” ở Nhật Bản

(Dân trí) - Nằm tại phía Tây Bắc của núi Phú Sĩ là khu rừng có diện tích 35km2 nổi tiếng với cái tên “Rừng tự sát” khi có tới hàng trăm người đã kết liễu cuộc đời mình tại đây.

Đó là khu rừng Aokigahara, nơi bao trùm một không khí u ám, chết chóc, và hầu như không có động vật hoang dã sinh sống. Khu rừng này là một “biển cây” chằng chịt, ngoài ra cũng có cả hang băng và hang đá.

 

Rừng Aokigahara được biết đến là nơi có nhiều người tự sát thứ 2 thế giới sau cây Cầu Cổng Vàng của Mỹ. Từ những năm 1950, các thương nhân Nhật Bản đã tìm đến đây để từ bỏ mạng sống của mình và đã có ít nhất 500 người đã tự tử ở đó. Tỉ lệ số người tự sát ở rừng Aokigahara tăng khoảng từ 10-30% hàng năm. Năm 2002, đã có 78 người tự sát tại khu rừng Aokigahara, mức cao kỷ lục.

 

Rừng Aokigahara được biết đến với cái tên rừng tự sát
Rừng Aokigahara được biết đến với cái tên "rừng tự sát"



Các nhà tâm linh học của Nhật Bản cho rằng linh hồn của những người tự sát tại khu rừng này đã không siêu thoát và nhập vào cây cối khiến nơi đây luôn rậm rạp đến mức dường như không còn chút khí để thở, nền đất gập ghềnh khó đi bởi rễ cây chằng chịt như muốn ngăn cản bất cứ ai ra khỏi rừng.

 

Trong khi đó, la bàn không còn tác dụng khi ở trong khu rừng này do tác động của quặng sắt từ trong khu vực có núi lửa hoạt động, khiến cho bất cứ ai đang bi lụy, khi vào đây càng trở lên mất phương hướng, lạc lối và càng tuyệt vọng hơn. Họ sẽ bị ma quỷ đã xui khiến và rồi người bỏ mạng tại đây.

 

Lý do chính xác mà nhiều người chọn khu rừng này làm nơi kết thúc cuộc đời mình vẫn là một điều bí ẩn, nhưng người ta vẫn truyền tai nhau một câu chuyện về người đầu tiên chọn khu rừng để chết là do bị ảnh hưởng từ một cuốn tiểu thuyết được xuất bản vào năm 1960.

 

Kết thúc cuốn tiểu thuyết có tên Kuroi Kaiju (tạm dịch là Biển cây đen) của nhà văn Seicho Matsumoto là cảnh hai người yêu nhau tự tử trong rừng. Rất nhiều người tin đó là sự mở đầu cho phong trào tự sát tại đây.

 

Cảnh sát đã dựng nhiều tấm trong rừng để thức tỉnh những ai có ý định tự tử như “Cuộc sống của bạn là món quà quý giá với đấng sinh thành” hay “Hãy gọi cho cảnh sát trước khi bạn có ý định kết liễu đời mình” .

 

Tuy nhiên, những dòng chữ này dường như không có tác dụng với những ai muốn chấm dứt cuộc đời mình. Hàng năm, tình nguyện viên phát hiện được khoảng 70 thi thể tại khu rừng Aokigahara, tuy nhiên, có nhiều thi thể vĩnh viễn bị chôn vùi trong những bụi cây um tùm. Các nhà chức trách Nhật Bản đã không công bố con số chính xác về số vụ tự tử tại đây để tránh sự chú ý của công chúng, điều sẽ làm cho khu rừng này trở lên được nhiều người biết đến hơn.

 

Những hình ảnh không hiếm gặp ở khu rừng Aokigahara
Những hình ảnh không hiếm gặp ở khu rừng Aokigahara



Người dân địa phương cho biết họ có thể dễ dàng nhận ra 3 kiểu khách đến thăm khu rừng, đó là những khách du lịch muốn thăm thú, khám phá cảnh vật; những người tò mò muốn biết thực hư về khu rừng tự sát và những người muốn ở lại khu rừng vĩnh viễn.
 

Cả người dân địa phương, công nhân trông coi khu rừng, và cảnh sát đều lấy làm tiếc khi khu rừng này mang tên là khu rừng chết chóc. Những người này đã rất nhiều lần chứng kiến cảnh các thi thể bị phân hủy rồi và những phần cơ thể bị động vật tha đi.

 

Các công nhân là người phải đối mặt với những cảnh tượng khủng khiếp ấy nhiều nhất khi họ phải chuyển những xác chết từ khu rừng tới một nhà ga của địa phương, nơi các thi thể được để trong một căn phòng đặc biệt. Sau đó, họ sẽ phải… oẳn tù tì để xem ai sẽ phải ngủ lại căn phòng đó với các xác chết.

 

Người dân địa phương cho rằng nếu các xác chết bị bỏ lại không có ai trông nom sẽ là điều không may mắn với các nạn nhân đã tự tử. Linh hồn họ sẽ la hét trong đêm và quấy nhiễu người dân.

 

Diệu Anh

Theo Atlasobscura