Quảng Nam chi gần 75 tỉ đồng để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng
(Dân trí) - Theo đề án đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam dự kiến chi gần 75 tỉ đồng để thúc đẩy mô hình du lịch này phát triển.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Đề án hỗ trợ phát triển một số điểm du lịch cộng đồng đến năm 2025. Theo đó, mục đích là khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch cộng đồng sẵn có của các địa phương, đặc biệt là những nơi có tiềm năng về du lịch nông nghiệp, nông thôn, miền núi, làng quê, làng nghề theo hướng du lịch xanh, bền vững.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia làm du lịch, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần phát triển nền kinh tế xanh bền vững. Khai thác du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thiên nhiên, làng quê, làng nghề của cộng đồng địa phương…
Du lịch cộng đồng tại Quảng Nam bắt đầu hình thành từ năm 2009 và phát triển mạnh từ năm 2013, tập trung chủ yếu ở các huyện, thị xã, thành phố Hội An như làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, rừng dừa Bảy Mẫu, mộc Kim Bồng…
Ở TP Tam Kỳ có làng bích họa Tam Thanh; thị xã Điện Bàn có làng du lịch cộng đồng sinh thái Triêm Tây; huyện Duy Xuyên có làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu, Mỹ Sơn; huyện Đông Giang có làng du lịch Bhờ Hôồng, Đhrôồng; huyện Nam Giang có làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơtu, làng nghề Zara…
Nếu năm 2013, chỉ có 6 điểm du lịch cộng đồng hoạt động thì đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 19 điểm du lịch cộng đồng được đưa vào đón khách. Trong đó 7 điểm có Ban quản lý điểm du lịch, 7 điểm đã thành lập Tổ hợp tác, Hợp tác xã.
Ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho biết, trong thời gian qua, mô hình du lịch cộng đồng ở Hội An phát triển mạnh, mang lại lợi ích về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường.
Hội An cũng hình thành sớm và tạo được sản phẩm đặc sắc là mô hình du lịch cộng đồng ở các làng nghề truyền thống như rau Trà Quế, gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng; ở Cù Lao Chàm mô hình du lịch cộng đồng bắt đầu phát triển từ năm 2009, đến nay đã lan rộng đến các cụm dân cư trên đảo.
Hơn 3 năm qua, mô hình du lịch cộng đồng tiếp tục mở rộng đến 2 thôn Vạn Lăng và Thanh Tam Đông (xã Cẩm Thanh) với loại hình du lịch sinh thái gắn với rừng dừa nước và hệ sông lạch vùng hạ lưu Thu Bồn cùng một số khu vực khối Thanh Tây, An Mỹ, Sơn Phô 2 (phường Cẩm Châu).
“Nhìn chung, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đang dần phát triển theo đúng định hướng và quy hoạch của tỉnh, bước đầu có hiệu quả; thị trường khách du lịch ngày càng mở rộng, lượng khách không ngừng tăng; sản phẩm du lịch từng bước được đa dạng; chất lượng phục vụ ngày càng được nâng cao”, ông Lê Ngọc Tường nói.
Nhiều điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã nhận được giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN như điểm du lịch cộng đồng làng Triêm Tây (thị xã Điện Bàn); làng du lịch cộng đồng Cơtu (huyện Nam Giang); cộng đồng làng chài ven biển An Bàng (TP Hội An)…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển du lịch cộng đồng còn tồn tại, hạn chế như cơ sở hạ tầng phát triển du lịch cộng đồng còn hạn chế, giao thông chưa kết nối đồng bộ, thiếu bãi đỗ xe và nhà vệ sinh; các dịch vụ du lịch còn nhỏ và chưa đảm bảo đủ các điều kiện và nhu cầu của du khách…
Ngoài ra, lượng khách đến điểm du lịch không thường xuyên, dẫn đến thu nhập từ hoạt động du lịch còn thấp; một bộ phận người dân chưa quan tâm nhiều đến du lịch cộng đồng. Một số nơi có tiềm năng về du lịch cộng đồng nhưng chưa chủ động tìm giải pháp thích hợp phát triển du lịch tại địa phương…
Theo đề án, dự kiến tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 cho 7 điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu của tỉnh gần 75 tỉ đồng; trong đó ngân sách cấp tỉnh hơn 45 tỉ đồng, ngân sách cấp huyện và xã hội hóa gần 30 tỉ đồng.
Ngày 15/9, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến các sở, ngành và địa phương để hoàn thiện đề án này. Ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch Quảng Nam cho biết, đề án này sẽ được trình HĐND vào kỳ họp cuối năm để triển khai thực hiện từ năm 2021.