Quán chè "đắt nhất Hà Nội": 90.000 đồng/cốc, chỉ tăng giá chứ không giảm

Thanh Thúy

(Dân trí) - Tự tin vào chất lượng những cốc chè quán mình làm ra, bà Lê Minh Dung, chủ quán chè thập cẩm "đắt nhất Hà Nội", khẳng định: "Tôi sẽ không bao giờ giảm giá, chỉ có tăng".

Quán Chè thập cẩm cũ 1976 nằm trong một con ngõ trên đường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Không gian quán gồm 2 tầng, với khoảng 15 chiếc bàn vuông, ghế nhựa, mỗi bàn ngồi được 4-5 người. 

Đúng như tên gọi, mọi đồ dùng của quán từ biển hiệu, bàn ghế, cốc thìa đến những bức tranh treo tường, cách bày trí… đều cũ và dân dã.

Bà Lê Minh Dung (63 tuổi), chủ quán, cho biết: "Quán tôi đa số là khách trung niên, khách quen đã ăn đến vài chục năm, nên tôi nghĩ họ không đến đây vì chỗ ngồi. Quan trọng là không gian gọn gàng, sạch sẽ và chất lượng cốc chè đến tay khách phải luôn ngon".

Quán chè

Không gian tầng 2 quán Chè thập cẩm (Ảnh: Thanh Thúy).

Theo bà Dung, quán chè thập cẩm được mẹ bà mở ra từ năm 1976, đến năm 1996 bà tiếp quản lại. Thời gian đầu, chè được bán với giá 7.000 đồng/cốc, gấp đôi giá một bát phở khoảng 3.000 đồng/bát, lúc bấy giờ. 

"Chè nhà tôi bán đắt từ 50 năm trước chứ không phải giờ mới đắt", bà Dung nói. Cũng chính vì điều này, mất vài năm đầu tiên quán rất ế khách, người ta thà ăn hai bát phở để no bụng còn hơn ăn một cốc chè. Tuy vậy, mẹ bà Dung vẫn kiên trì.

Mẹ bà Dung là người Phú Yên, đây cũng là lý do khiến một cốc chè thập cẩm ở Hà Nội, có hương vị khác biệt. 

Thực đơn của quán có 72 loại chè khác nhau. Mỗi cốc chè ở đây có 15-20 loại nguyên liệu như cốm, đậu xanh, đậu đỏ, cốt dừa, hoa quả các loại… Ngoài ra, điểm nhấn là những viên trân châu lớn với các hương vị sô-cô-la, nho, đậu xanh, sen, vừng, dừa. 

Quán chè

Mỗi cốc chè ở đây có 15-20 loại nguyên liệu như cốm, đậu xanh, đậu đỏ, cốt dừa, hoa quả các loại (Ảnh: Thanh Thúy).

Quán chè

Trong đó, cốm xào được nhiều thực khách đặc biệt yêu thích, có thể gọi đĩa riêng ăn cùng nước cốt dừa (Ảnh: Thanh Thúy).

Riêng phần sô-cô-la được em gái bà Dung gửi về từ Đức, mỗi lần khoảng 10kg, tương đương 500 thanh. Bà Dung đã từng thử một số loại sô-cô-la khác ở Việt Nam nhưng thấy không hợp vị, không ngon.

"Từng loại nguyên liệu đều phải chọn rất kĩ thì cốc chè mới hoàn hảo. Tôi duy trì sự tỉ mỉ, cầu kỳ từ mẹ", bà Dung nói.

Nguyên liệu là hoa quả theo mùa cũng được bà Dung lựa chọn cẩn thận. Luôn đảm bảo phải thật tươi và ngon. Ngoài ra, bột nấu chè, đậu xanh, đậu đỏ hay cốt dừa, cốm, bà Dung cho biết cũng đều phải là hàng loại một.

Chè được để vào trong những cốc lớn, phần nhân đầy gần miệng cốc. Khách gọi chè sẽ được tặng kèm một cốc trà nhài. Trước khi ăn, thực khách nhấp trước một ngụm trà để cân bằng vị. 

Cốc chè thập cẩm sầu riêng khá nhiều thịt sầu, cùng các loại nguyên liệu khác như trân châu, cốm xào… Tất cả trộn đều với nước cốt dừa, sền sệt béo ngậy. 

Quán chè

Chè ở đây đồng giá 60.000 đồng/cốc, cốc đắt nhất là chè thập cẩm sầu riêng giá 90.000 đồng/cốc (Ảnh: Thanh Thúy).

"Chè thập cẩm ở đây khi ăn không có cảm giác vị ngọt của đường hóa học, mà hương vị ngọt thanh, dễ chịu của hoa quả tươi. Tôi nghĩ mọi người không nên cho nhiều đá khi ăn chè", Hoàng Huyền, thực khách trẻ lần đầu thưởng thức chè ở quán, cho biết.

Được mệnh danh là "quán chè đắt nhất Hà Nội", chè ở quán đồng giá 60.000 đồng/cốc, cốc đắt nhất là chè thập cẩm sầu riêng giá 90.000 đồng. Với mức giá này, sau 50 năm, một cốc chè thập cẩm của quán bà Dung vẫn đắt gấp đôi giá một bát phở bình dân, khoảng 45.000 đồng.

Tuy vậy, bà Dung vẫn khẳng định, sẽ không có chuyện giảm giá mà chỉ có tăng. "Đắt nhưng sắt ra miếng, ai từng ăn chè quán tôi đều biết, đặc biệt những khách đã ăn vài chục năm đến giờ họ vẫn quay lại. Vẫn những chiếc cốc đó, không gian đó và hương vị, chất lượng cũng không hề thay đổi", bà Dung nói.

Quán chè

Thực đơn của quán có 72 loại chè khác nhau, được làm theo công thức truyền thống của gia đình (Ảnh: Thanh Thúy).

Hàng ngày, quán bà Dung mở từ 9h-22h30. Trong đó, cao điểm nhất là hai khung giờ 11h-13h và sau 19h. Ngoài khách ăn trực tiếp, quán còn nhận đặt hàng qua điện thoại, do vậy, không gian quán tuy nhỏ nhưng có đến 15 nhân viên, luôn chân luôn tay chuẩn bị chè cho khách.

Trung bình, mỗi ngày quán chè bà Dung bán được khoảng 700 cốc chè, ngày cuối tuần hoặc các dịp lễ Tết bán được 1.000-1.200 cốc/ngày. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm