Bài 1:

Phó Chủ tịch Bạc Liêu chỉ rõ vì sao khách du lịch “đến một lần, khó quay lại”

(Dân trí) - “Đội ngũ làm du lịch ở Bạc Liêu không ổn định, không được đào tạo bài bản nên phục vụ thiếu chuyên nghiệp. Mà thiếu chuyên nghiệp tạo ấn tượng đầu tiên không đẹp cho khách thì khách khó muốn quay lại lần 2, lần 3”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nêu thực trạng.

Ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu những năm qua đã phát triển rất tốt như lượng khách mỗi năm tăng, thành lập được Hiệp hội Du lịch, có thêm điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL…,. Tuy nhiên, vấn đề cần nhìn nhận là ngành “kinh tế không khói” của Bạc Liêu đang đứng đâu.

Những điểm du lịch nổi tiếng Bạc Liêu.

Sản phẩm du lịch nhiều nhưng… “nhàn nhạt”

Một thống kê của lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, về tổng lượt khách du lịch đến Bạc Liêu trong cụm phía Tây (7 tỉnh khu vực ĐBSCL, gồm: TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau) thì Bạc Liêu đứng thứ 5, chỉ hơn Sóc Trăng và Hậu Giang, còn so các tỉnh còn lại thì thua hết.

Trong hoạt động du lịch, Bạc Liêu còn nhiều hạn chế như nguồn nhân lực thiếu, không được đào tạo một cách bài bản cho nên việc ứng xử, giao tiếp với khách du lịch để tạo ấn tượng tốt thì Bạc Liêu chưa phải là nơi khách du lịch đánh giá cao.

Phó Chủ tịch Bạc Liêu chỉ rõ vì sao khách du lịch “đến một lần, khó quay lại” - 1

Khu nhà "Công tử Bạc Liêu" được xem là điểm du lịch nổi tiếng nhất của tỉnh Bạc Liêu.

Theo bà Lâm Thị Sang- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, sản phẩm du lịch của tỉnh nhiều nhưng vẫn còn... “nhàn nhạt”. Như khô, cá, mắm thì các tỉnh trong cụm phía Tây ở đâu cũng có, còn muối thì tỉnh nào có biển cũng có. Có những sản phẩm lớn hơn như đờn ca tài tử thì chưa hẳn là hoàn toàn riêng biệt của Bạc Liêu.

“Trừ điện gió, Công tử Bạc Liêu, còn du lịch tâm linh chiếm vị trí rất lớn trong các sản phẩm du lịch của Bạc Liêu, nhưng so với chùa phái Nam tông ở Sóc Trăng, hoặc Miếu Bà Chúa Xứ ở An Giang,... thì Bạc Liêu cũng không bằng. Cho nên, chúng ta thấy sắc thái đặc thù trong sản phẩm du lịch chưa có những rõ nét, thiếu cái gì đó mang tính chất đặc trưng của Bạc Liêu”, bà Sang băn khoăn.

Phó Chủ tịch Bạc Liêu chỉ rõ vì sao khách du lịch “đến một lần, khó quay lại” - 2

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu- bà Lâm Thị Sang- phát biểu chỉ đạo trong một hội nghị về ngành du lịch Bạc Liêu vừa diễn ra mới đây.

Trong công tác quảng bá, xúc tiến, ngành du lịch Bạc Liêu đã có cố gắng với việc tổ chức nhiều hoạt động nhưng tính chuyên nghiệp chưa có, chủ yếu mang tính lồng ghép, kết hợp là chính, nên hiệu quả mang lại chưa mong muốn. Còn môi trường du lịch như sự an toàn, cơ sở hạ tầng, giao thông, các cơ sở nghỉ dưỡng, lưu trú thì thấy vẫn còn nghèo nàn, thiếu thốn.

Theo Phó Chủ tịch Bạc Liêu, mặc dù đã có rất nhiều cố gắng nhưng hiện tượng chèo kéo, nâng giá, móc túi, thậm chí hăm dọa khách,… vẫn còn xảy ra ở một vài điểm du lịch.

“Ngoài ra, đội ngũ làm du lịch ở Bạc Liêu không ổn định, và cũng bởi sự không ổn định, không đào tạo bài bản nên phục vụ thiếu chuyên nghiệp. Mà thiếu chuyên nghiệp tạo ấn tượng đầu tiên không đẹp cho khách thì khách khó muốn quay lại lần 2, lần 3”, bà Lâm Thị Sang nêu thực trạng.

Nghiên cứu làm sao để khách du lịch tiêu xài nhằm tăng doanh thu

Bà Lâm Thị Sang- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh đã xác định 5 trụ cột phát triển, trong đó có du lịch. Do đó, vệc đầu tiên phải làm là công tác tuyên truyền cần được tập trung để nâng cao nhận thức du lịch đúng hơn, có vị trí cao hơn. Để làm sao hình ảnh du lịch của Bạc Liêu không chỉ trong tỉnh mà cả ngoài tỉnh, cả nước, thậm chí vượt ra quốc gia,…

Trong việc quảng bá, xúc tiến, giới thiệu về du lịch có thể tổ chức những hội nghị chuyên đề, bằng hình ảnh, logo quảng cáo,... “Ví dụ như khi khách đến mua sản phẩm nào đó thì có thể kết hợp tranh thủ giới thiệu, tặng thêm một cái gì đó về du lịch Bạc Liêu nữa được hay không, cũng cần nghiên cứu thêm”, bà Sang đề nghị.

Phó Chủ tịch Bạc Liêu chỉ rõ vì sao khách du lịch “đến một lần, khó quay lại” - 3

Khách du lịch đến Bạc Liêu không ít nhưng lại tiêu xài ít hơn Cà Mau.

Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cho rằng, hiện nay không chỉ giới trẻ mà người dân, cán bộ, công chức,… sử dụng mạng xã hội, lướt Facebook rất nhiều. Vì vậy, bà Lâm Thị Sang đề xuất ngành quản lý có thể tạo Facebook riêng về du lịch Bạc Liêu, tranh thủ đây là một phương tiện quảng bá nhanh, có hiệu quả, thậm chí ít tốn kém.

Một trong những vấn đề mà Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu đề nghị quan tâm là mở rộng, khai thác sản phẩm du lịch. Theo bà Sang, người dân đi du lịch, đặc biệt là giới trẻ chủ yếu thích chụp hình, ghi lại cảnh đẹp của mình.

“Như khu vực Nhà Mát hiện có thêm Thiền viện Trúc Lâm Bạc Liêu. Có những hình ảnh, một góc nhìn của Thiền viện khi đưa lên Facebook, tôi cứ nghĩ rằng không phải là Thiền viện mà tôi nghĩ như cung thành nào đó ở Huế, rất trầm mặc, nét buồn, cổ kính được khai thác rất tốt”, bà Sang dẫn chứng.

Phó Chủ tịch Bạc Liêu chỉ rõ vì sao khách du lịch “đến một lần, khó quay lại” - 4

Thiền viện Trúc Lâm Bạc Liêu.

Theo Phó Chủ tịch Lâm Thị Sang, khi làm du lịch thì chú ý để làm sao du khách đến và nghỉ lại qua đêm thì doanh thu sẽ tăng hơn. Một thống kê cho thấy, năm 2018, một lượt người khách đến Bạc Liêu tiêu xài 885.000 đồng, còn ở Cà Mau xài 1.528.000 đồng.

"Con số này cho thấy số tiền khách bỏ ra ở Bạc Liêu so với Cà Mau chỉ bằng 58%. Chúng ta có đến 8, 9 điểm du lịch, nhưng mỗi điểm tham quan lòng vòng chỉ 10, 15 phút là hết, không có gì để giữ khách ở lại cả", bà Sang nhìn nhận.

Còn tiếp…

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm