Phát triển du lịch ở làng nghề nuôi rắn Vĩnh Sơn
(Dân trí) - Tận dụng tiềm năng của làng nghề nuôi rắn truyền thống, tỉnh Vĩnh Phúc phát triển mô hình du lịch trải nghiệm, thu hút du khách tham quan, đồng thời gia tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Những năm gần đây, làng nghề rắn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, không còn là cái tên xa lạ với những ai ưa thích du lịch trải nghiệm. Làng nghề này có từ lâu đời, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và vẫn giữ vững sự phát triển cho đến ngày nay.
Người dân Vĩnh Sơn trước đây vẫn quen nuôi rắn ngoài đồng và để chúng sinh sản trong điều kiện tự nhiên, nhưng thực tế cho thấy cách nuôi này đã không đem lại nhiều hiệu quả, dễ bị mất và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi rắn sổng chuồng. Trong chừng mươi năm trở lại đây, người Vĩnh Sơn đã biết nuôi nhốt theo phương pháp tiên tiến cho chất lượng rắn tốt hơn, vừa dễ kiểm soát và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng.
Việc đầu tư cho hang rắn không quá nhiêu khê đòi hỏi nhiều vốn liếng, lại chỉ cần bỏ kinh phí một lần… Nuôi rắn nhàn mà hiệu quả kinh tế lại cao ngất nên nhiều người thi nhau xây hang, đua nhau nuôi rắn - hầu như hộ nào trong làng cũng biết làm hang nuôi rắn.
Hang rắn là một cái hầm hình hộp được ốp bằng mấy hàng gạch chỉ (cao chừng 30-40cm), đủ cho một con rắn cuộn tròn bên trong. Phía dưới có máng hốt, bên trên cửa hang được làm bằng gỗ có ghép lưới sắt và khóa chốt cẩn thận.
Hiện trên địa bàn xã Vĩnh Sơn có khoảng 600 hộ nuôi rắn, chiếm 50% số hộ trong xã. Các hộ dân đầu tư xây dựng chuồng nuôi rắn đảm bảo an toàn và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Sản phẩm chính của làng nghề rắn Vĩnh Sơn là rắn thương phẩm và rắn sinh sản. Ngoài ra, các thương lái còn thu mua về chế biến rượu, cao rắn, xác rắn lột được thu mua làm thuốc chữa bệnh, nọc được dùng trong dược phẩm…
Những năm gần đây, việc phát triển nghề nuôi rắn truyền thống của địa phương có nhiều đổi mới. Số hộ chăn nuôi rắn với quy mô nhỏ giảm, số hộ chăn nuôi quy mô lớn ngày càng tăng. Người dân đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, chăn nuôi, chú trọng đầu tư kho lạnh, nhà ấm, phòng chữa bệnh cho rắn... Do vậy hiệu quả chăn nuôi ngày càng được nâng lên.
Anh Nguyễn Tiến Sỹ, một hộ nuôi rắn lâu năm tại làng, chia sẻ: "Gia đình tôi đã gắn bó với nghề nuôi rắn hơn 20 năm. Ban đầu chỉ nuôi nhỏ lẻ để bán rắn thương phẩm, nhưng sau này, tôi bắt đầu chế biến thêm các sản phẩm từ rắn như cao rắn và rượu rắn. Nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và Hội làng nghề, sản phẩm cao rắn gia truyền của tôi đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Lượng khách du lịch đến tham quan và mua sản phẩm ngày càng tăng, giúp thu nhập gia đình ổn định hơn".
Theo ông Hạ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn: "UBND xã tích cực liên kết với các đơn vị lữ hành thông qua Hội làng nghề rắn Vĩnh Sơn để đưa các đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Du khách có thể tìm hiểu quy trình chăn nuôi rắn, thưởng thức các món ăn từ rắn, và mua các sản phẩm làm từ rắn để làm quà tặng".
Mỗi tháng, địa phương đón trung bình 100 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Các sản phẩm của làng nghề cũng được trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, góp phần đưa thương hiệu làng nghề rắn Vĩnh Sơn vươn xa.
Hiện nay, chính quyền địa phương đang triển khai xây dựng khu làng nghề chăn nuôi và chế biến rắn tập trung trên diện tích hơn 20 ha, gồm khu chăn nuôi, chế biến, khu dịch vụ du lịch, chợ làng nghề... Đây sẽ là bước đệm quan trọng giúp làng nghề rắn ngày càng phát triển bền vững.
Tận dụng lợi thế và tiềm năng sẵn có, Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh bảo tồn các giá trị văn hóa của làng nghề, như phong tục, tập quán, lễ hội, gắn liền với phát triển du lịch. Song song đó, chính quyền cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường làng nghề và xây dựng các tour du lịch kết nối với các điểm đến khác trong tỉnh.
Với định hướng đúng đắn và sự chung tay từ chính quyền, người dân và các đơn vị lữ hành, du lịch làng nghề tại Vĩnh Phúc hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển, không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân mà còn đưa hình ảnh văn hóa làng nghề truyền thống của tỉnh vươn xa hơn trên bản đồ du lịch.