Phát triển du lịch có trách nhiệm và bền vững mang lại nhiều lợi ích

(Dân trí) - Du lịch có trách nhiệm đã được các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp du lịch lồng ghép trong các loại hình du lịch như: du lịch cộng đồng, sinh thái, làng quê, làng nghề... nhằm bảo tồn tài nguyên, thu hút cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch để cùng được chia sẽ lợi ích...

Ngày 29/9, Sở VHTT-DL Quảng Nam phối hợp cùng Văn phòng Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) tại Hà Nội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Báo Lao Động tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững” miền Trung.

Tham dự hội thảo có các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, các nhà quản lý và các hãng lữ hành cùng nhau bàn thảo và lắn nghe các ý kiến đề xuất để xây dựng ngành du lịch ngày càng thân thiện, gắn với thiên nhiên, cộng đồng và khơi gợi ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân và du khách.

Hội thảo “Phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững” được tổ chức ngày 29/9 tại Hội An, Quảng Nam.
Hội thảo “Phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững” được tổ chức ngày 29/9 tại Hội An, Quảng Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VHTT-DL Quảng Nam - cho rằng: “Chúng ta cần phải có những bước đi mang tính đột phá trong việc ứng dụng và nhân rộng các mô hình vào tất cả các loại hình dịch vụ, phải thể hiện tính có trách nhiệm trong phát triển du lịch. Từ đó, mới tạo ra được sự bền vững trong phát triển du lịch, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội cho cộng đồng”.

Theo ông Nguyễn Đình Ân - Giám đốc Cty TNHH du lịch bạn Đường Châu Á (TT-Huế) - du lịch có trách nhiệm đang trở thành một xu thế toàn cầu nói chung và cộng đồng du lịch Việt Nam nói riêng. Các quốc gia trên thế giới đã thực hiện rất thành công cách tiếp cận này. Khái niệm “Du lịch có trách nhiệm” lần đầu tiên được Tổ chức du lịch thế giới đưa ra vào năm 2002 trong tuyên bố Cape Town.

“Nghành du lịch tính đến các yếu tố tác động về kinh tế, xã hội và môi trường hiện tại và tương lai, giải quyết các nhu cầu của du khách, các ngành công nghiệp, các cộng đồng và môi trường cộng đồng địa phương”, ông Ân phát biểu.

Thôn Bhờ Hôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, Quảng Nam tổ chức lễ hội để phục vụ du khách
Thôn Bhờ Hôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, Quảng Nam tổ chức lễ hội để phục vụ du khách

Ông Ân cũng đưa ra các yêu cầu để phát triển du lịch bền vững. Đó là sử dụng tối ưu tối thiểu các nguồn tài nguyên môi trường tạo thành một yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch, duy trì quá trình sinh thái thiết yếu và giúp đỡ để bảo tồn di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Tôn trọng tính xác thực văn hóa - xã hội của cộng đồng bản địa, bảo tồn những giá trị truyền thống và di sản văn hóa và các giá trị truyền thống, và đóng góp vào sự hiểu biết liên kết văn hóa và sự khoan dung độ lượng

Bên cạnh đó, đảm bảo hoạt động kinh tế trong dài hạn có tính khả thi, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho tất cả các bên liên quan và được phân phối một cách công bằng, bao gồm cả việc làm ổn định và cơ hội tạo thu nhập và các dịch vụ xã hội để tổ chức cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Còn ông Dương Minh Bình (đại diện Công ty tư vấn phát triển du lịch cộng đồng) nêu kinh nghiệm: “Du lịch cộng đồng phải chỉ được thực tế để người dân cùng làm theo chương trình đặt ra, còn chỉ tập huấn 1-2 buổi như một số doanh nghiệp làm như hiện nay thì không thể làm du lịch cộng đồng”.

Văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơtu rất được du khách quan tâm
Văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơtu rất được du khách quan tâm

Để làm được điều này, ông Bình cho hay phải huy động nguồn lực thiết phục người dân thấy được lợi ích từ mô hình hoạt động có vốn vay, từ đó họ sẵn sàng bỏ tiền túi ra để vừa quảng bá vừa đem lại lợi nhận cho họ.

Bà Phan Thị Hiền, đại diện Công ty du lịch Mạo Hiểm Việt Nam (Hội An), trình bày mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và cộng đồng trong việc tạo sản phẩm du lịch tại làng du lịch cộng đồng Bhờ Hôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, Quảng Nam.

Tại thôn Bhờ Hôồng 1, đời sống sinh hoạt của bà con chủ yếu làm nghề nương rẫy, làng có hệ thống các nhà Gươl truyền thống. Đây là vùng đất có nhiều nét văn hóa dân tộc đặc trưng của đồng bào Cơtu, có tính đa dạng văn hóa và tính đa dạng tự nhiên và chính là nguồn lực để liên kết phát triển du lịch.

Ngoài ra, khu vực có cảnh quan hùng vĩ, hệ sinh thái phong phú; là quê hương của điệu múa Tung tung zá zá, có nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch lịch sử nổi tiếng gắn với các lễ hội như mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu.

Chính những điều kiện tự nhiên đặc thù sẵn có và sự đồng thuận của chính quyền từ huyện xuống địa phương trong định hướng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã tạo cho Đông Giang là nơi có nhiều lợi thế lớn để đầu tư, khai thác và phát triển du lịch, trong đó nổi bật là loại hình du lịch văn hóa cộng đồng.

Thực tế, làng du lịch thôn Bhờ Hôồng 1 cũng đã thu hút rất nhiều du khách đến đây tham quan, du lịch vì nơi đây tổ chức du lịch cộng đồng tương đối tốt so với một số địa bàn miền núi khác ở Quảng Nam. Chính nhờ vậy, đời sống của đồng bào Cơtu nơi đây cũng phát triển nhờ vào du lịch, từ đó người dân gắn bó hơn với nghề...

Giám đốc Sở VHTT-DL Quảng Nam – ông Đinh Hài - trao đổi với PV Dân trí về kết quả đạt được của du lịch có trách nhiệm trên địa bàn

 

Giám đốc Sở VHTT-DL Quảng Nam cho rằng, đây là cơ hội để tỉnh Quảng Nam, các tỉnh bạn, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các chuyên gia chia sẽ các kết quả chính, kinh nghiệm trong quá trình hoạch định xây dựng chính sách, cũng như kế hoạch khuyến khích sự tham gia của các bên có liên quan cùng chung tay xây dựng, phát triển du lịch có trách nhiệm tạo nền tảng ngày càng vững chắc cho mục tiêu phát triển bền vững.

Đây cũng là cơ hội để tỉnh Quảng Nam kêu gọi tất cả các ngành, các cấp, các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, các cơ quan truyền thông tiếp tục hỗ trợ tỉnh thực thi chiến lược, kế hoạch để tiến gần hơn đến mục tiêu thúc đẩy phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững, góp phần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

“Hội thảo hôm nay nhằm mục tiêu xem xét, đánh giá các kết quả đã làm được trong thời gian qua, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó xác định các ưu điểm cũng như những hạn chế trong việc phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững để tìm ra các giải pháp hữu hiệu, hướng đến phát triển du lịch bền vững tại Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung một cách tốt hơn. Đây cũng là dịp để kêu gọi các cơ quan truyền thông cùng hợp tác để thúc đẩy cho công tác quảng bá hình ảnh du lịch đến với du khách trong nước và quốc tế lên một tầm cao mới”, ông Đinh Hài phát biểu.

Đại diện Tổng Cục Du lịch hoan nghênh sáng kiến hội thảo này và cho hay trên cơ sở 12 ý kiến và tham luận, ngành thấy được các doanh nghiệp đã tập trung đưa ra những kinh nghiệm, sáng kiến trong du lịch từng địa phương. 

“Trên cơ sở đó, để nhận định hội thảo du lịch trách nhiệm bền vững là cần thiết. Bên cạnh các bài học đã nêu, cần rút ra nhiều kinh nghiệm khác, khắc phục những tồn tại và hạn chế khác. Sự nỗ lực không ngừng của các bên tham gia để không ngừng phát triển du lịch trách nhiệm bền vững. Đó là kinh nghiệm tôi rút ra từ hội thảo lần này”, Đại diện Tổng Cục Du lịch phát biểu.

Công Bính