Phát triển du lịch biển, đảo trở thành thế mạnh hàng đầu của du lịch Việt Nam

(Dân trí) - Đó là một trong những mục tiêu được nêu tại Hội nghị công bố, phổ biến và triển khai quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng biển duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tổ chức tại Đà Nẵng, sáng 26/5.

Tại hội nghị, ông Đỗ Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính (Tổng Cục du lịch) đã công bố quyết định phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng biển duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030’ của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quyết định, vùng duyên hải Nam Trung Bộ bao gồm TP Đà Nẵng và 7 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, có diện tích tự nhiên: 44.376,9km2. Phía Bắc giáp tỉnh TT Huế; phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp Lào và các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng; phía Nam giáp Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Mục tiêu nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển du lịch biển, đảo trở thành thế mạnh hàng đầu của du lịch Việt Nam. Phát triển các đô thị du lịch hiện đại, các khu du lịch, điểm du lịch quốc gia với các cơ sở dịch vụ cao cấp. Đến năm 2020, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và phấu đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của vùng, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển và hải đảo Việt Nam.

Cụ thể, khách du lịch: đến năm 2020, thu hút khoảng 15 triệu lượt khách, trong đó khoảng 4,5 triệu lượt khách quốc tế; phấu đấu đến năm 2030 thu hút khoảng 25 triệu lượt khách, trong đó khoảng 7,5 triệu lượt khách quốc tế.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Thị Bích Liên
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại hội nghị
 
Tổng thu từ khách du lịch: đến năm 2020 đạt khoảng 70.000 tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 160.000 tỷ đồng. Cơ sở lưu trú du lịch: Đến năm 2020 có trên 95.000 buồng khách sạn, trong đó tỷ lệ buồng đạt tiêu chuẩn từ 3 – 5 sao chiếm khoảng 15%; phấu đấu đến năm 2030 có khoảng 140.000 buồng khách sạn, trong đó tỷ lệ buồng đạt tiêu chuẩn từ 3 -5 sao chiếm khoảng 30%.

Chỉ tiêu việc làm: đến năm 2030 tạo việc làm cho trên 400.000 lao động, trong đó hơn 130.000 lao động trực tiếp, phấu đấu năm 2030 tạo việc làm cho khỏang 700.000 lao động, trong đó khoảng 230.000 lao động trực tiếp.

Đối với khách quốc tế, thu hút, phát triển mạnh thị trường Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan); thị trường Nga và các nước Đông Âu và thị trường các nước Đông Nam Á. Duy trì khai thác thị trường truyền thống từ Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ và Châu Úc. Mở rộng thị trường mới: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước đến từ khu vực Trung Đông.

Đối với khách du lịch nội địa, phát triển mạnh thị trường nội vùng, thị trường khách đến từ thủ đô Hà Nội, TPHCM và các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên; chú trọng thị trường du lịch với mục đích nghỉ dưỡng, giải trí, nghỉ cuối tuần, lễ hội, tâm linh, mua sắm. Khuyến khích phát triển, mở rộng thị trường du lịch theo chuyên đề và du lịch kết hợp công vụ.
Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị
 
Tập trung đầu tư phát triển 9 khu du lịch quốc gia gồm: Sơn Trà, Bà Nà (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Mỹ Khê (Quảng Ngãi), Phương Mai (Bình Định), Vịnh Xuân Đài (Phú Yên), Bắc Cam Ranh (Khánh Hòa), Ninh Chữ (Ninh Thuận) và Mũi Né (Bình Thuận); 6 điểm du lịch quốc gia gồm: Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Mỹ Sơn (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Lũy (Quảng Ngãi, Bình Định), Trường Sa (Khánh Hòa) và Phú Quý (Bình Thuận) và 4 đô thị du lịch gồm TP Đà Nẵng, TP Hội An (Quảng Nam), TP Nha Trang (Khánh Hòa) và TP Phan Thiết (Bình Thuận).

Phát triển TP Đà Nẵng thành trung tâm du lịch của vùng và tiểu vùng du lịch phía Bắc, TP Nha Trang (Khánh Hòa) thành trung tâm du lịch của tiểu vùng du lịch phía Nam, đồng thời giữ vai trò trung tâm phụ trợ của vùng du lịch phía Bắc và TP Phan Thiết (Bình Thuận) thành trung tâm phụ trợ của tiểu vùng du lịch phía Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đưa ra kế hoạch dự thảo để triển khai thực hiện quy hoạch trên được hiệu quả. Đó là xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù phát triển du lịch vùng. Xây dựng các quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án phát triển du lịch. Phát triển thị trường, sản phẩm và xúc tiến quảng bá du lịch vùng. Phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao nhận thực cộng đồng về phát triển du lịch. Công tác kiểm tra, giám sát, ứng phó biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Thị Bích Liên cho biết:  Thời gian qua du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đã có bước phát triển và đóng góp nhất định vào sự nghiệp phát triển du lịch cả nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội và làm thay đổi diện mạo của nhiều địa phương trong vùng, tạo nên nhiều công ăn việc làm, đóng góp tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, củng cố quốc phòng, an ninh vùng biển và hải đảo. Năm 2013, tỷ trọng GDP du lịch các địa phương so với GDP toàn tỉnh chiếm trung bình 3%-3,5%. Năm 2013 toàn vùng có gần 74,5 nghìn lao động ngàng du lịch, chiếm 14% lao động du lịch trên cả nước. Lao động gián tiếp ngoài xã hội có thể đạt trên 150 nghìn người. Tốc độ tăng trưởng trung bình năm lượng khách đi lại giữa các tỉnh giai đoạn từ năm 2000-2005 đạt 23%/năm; giai đoạn từ năm 2006-2013 đạt 13,7%/năm; tính cả giai đoạn từ 2000-2013 đạt gần 17,3%/năm, đạt mức cao nhất trong các vùng cả nước.

“Quy hoạch phát triển du lịch vùng duyên Hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thể hiện sự quan tâm chỉ đạo sao sát của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đối với sự phát triển ngành du lịch nói chung và du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng; tạo tiền đề cho công tác đầu tư, quản lý phát triển du lịch vùng một cách đúng hướng và bền vững”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Khánh Hồng