Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Phát triển bền vững du lịch ở huyện biên giới Nghệ An

Hoàng Lam

(Dân trí) - Sáng 13/11, tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế "Phát triển bền vững du lịch huyện Kỳ Sơn: Thực trạng và vấn đề".

Hội thảo do Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, Viện Friedrich Naumann Foundation (Đức) phối hợp với UBND huyện Kỳ Sơn tổ chức. 

Huyện Kỳ Sơn nằm ở phía tây tỉnh Nghệ An, giáp với nước bạn Lào. Đây là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Kinh, Thái, Khơ mú, Mông, Hoa. Mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng văn hóa của mình về phong tục truyền thống, trang phục, kết cấu nhà ở và bản làng… điều này tạo nên những bản sắc văn hóa đặc sắc và riêng biệt, là sức hút mạnh mẽ với du khách, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài.

Sự kiện là một hoạt động cụ thể nhằm hoàn thành mục tiêu dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021- 2025 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.

Phát triển bền vững du lịch ở huyện biên giới Nghệ An - 1

Một tiết mục văn nghệ đặc sắc của đồng bào Mông huyện Kỳ Sơn tại hội thảo (Ảnh: Quang Hưng).

Với những đặc trưng về tự nhiên, văn hóa, xã hội và con người vô cùng phong phú, độc đáo, miền tây Nghệ An nói chung và huyện biên giới Kỳ Sơn nói riêng có nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có cho việc phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng và canh nông.

Tại Kỳ Sơn đã hình thành các điểm du lịch thu hút du khách như đỉnh Pu Xai Lai Leng được xem là "nóc nhà" của dãy Trường Sơn hùng vĩ; "cổng trời" Mường Lống được mệnh danh là "Sa Pa của xứ Nghệ", tháp cổ Mỹ Lý...

Để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, năm 2021, UBND huyện Kỳ Sơn đã ban hành Đề án "Xây dựng và phát triển du lịch huyện Kỳ Sơn giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030". Tuy nhiên, hoạt động du lịch của địa phương hiện còn nhiều hạn chế, doanh thu ít, chưa tạo được sức hút đối với du khách.

Phát triển bền vững du lịch ở huyện biên giới Nghệ An - 2

Một bản làng người Mông đẹp như tranh tại "cổng trời" Mường Lống, Kỳ Sơn (Ảnh: kyson.nghean.gov.vn)

Những hạn chế này xuất phát từ đặc điểm địa hình, hạ tầng giao thông, nguồn lực đầu tư, công tác truyền thông quảng bá, đội ngũ cán bộ và nhân lực ngành du lịch...

Tại hội thảo các đại biểu đã trình bày tham luận, phân tích rõ các tiềm năng, lợi thế cũng như những hạn chế, khó khăn đối với sự phát triển của ngành du lịch của huyện Kỳ Sơn.

Cùng với đó, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp lữ hành cũng đã đề xuất các kiến nghị, giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện biên giới này.