Phát hiện "quái vật" sống trong lòng đất sở hữu hơn 1.300 chân
(Dân trí) - Loài sinh vật vừa được phát hiện sống trong lòng đất ở độ sâu khoảng 60 m, có số chân nhiều kỷ lục lên tới hơn 1.300 chân.
Một loài sinh vật mới vừa được phát hiện, chính thức nhận danh hiệu sinh vật có nhiều chân nhất hành tinh, lên tới hơn 1.300 chân.
Đây là loài cuốn chiếu mới sống dưới lòng đất ở độ sâu khoảng 60 m, được tìm thấy tại khu vực Tây Australia trong một lỗ khoan thăm dò khoáng sản. Đó là những mũi khoan đạt độ sâu 20 m đến 100 m. Nếu các thợ mỏ không tìm thấy bất cứ kim loại nào trong số này, những lỗ khoan sẽ bị đóng lại.
"Cách đây một thời gian, các nhà côn trùng học ở Tây Australia đã nảy ra ý tưởng lấy mẫu từ những lỗ khoan này bởi chúng mang lại cơ hội hoàn hảo quan sát hệ sinh thái dưới lòng đất", một chuyên gia cho biết.
Paul Marek, nhà côn trùng học đến từ trường Đại học Công nghệ Virginia, chia sẻ: "Sinh vật này chỉ dài 0,09 m nhưng có tới 330 khúc thân, đầu hình nón, sở hữu những chiếc râu khổng lồ và một cái mỏ để kiếm mồi nhưng số lượng chân đạt kỷ lục 1.306 cái".
"Chúng thiếu mắt và sắc tố. Mỗi chân làm nhiệm vụ đào đường hầm xuyên qua đất. Dọc theo cơ thể chúng là các tuyến tiết ra độc tố nhằm ngăn chặn kẻ săn mồi như bọ cánh cứng, chuột chũi".
Sinh vật mới được gọi là "Eumilipes persephone" đặt theo tên của Persephone, con gái của thần Zeus, người đã bị Hades đưa xuống thế giới ngầm.
Theo mô tả, "Eumilipes persephone" có thân hình dài như sợi chỉ, gần như gấp 100 lần so với chiều ngang của nó. Hai sợi râu của cuốn chiếu hoạt động như ăng ten để di chuyển trong lòng đất tối tăm. Thức ăn loài này chủ yếu là nấm. Việc đếm chân khá khó khăn bởi loài này có xu hướng cuộn mình lại như chiếc lò xo của đồng hồ nhỏ.
Nhà sinh vật học Marek cho rằng tuổi thọ của sinh vật này rất cao. Số lượng chân cũng là yếu tố tiết lộ "tuổi thọ" của nó.
Trước đó, vị chuyên gia này đã phân tích tổng cộng 4 mẫu vật gồm 2 con đực và 2 con cái. Chúng có chiều dài cơ thể khác nhau nên độ tuổi cũng khác nhau. Con ngắn nhất có 778 chân, con dài nhất là 1.306 chân. Nhóm nghiên cứu cho rằng, sinh vật mới này có thể sống từ 5-10 năm, trong khi vòng đời thông thường của những loài khác chỉ kéo dài khoảng 2 năm.
Sau phát hiện mới này, nhóm chuyên gia nhận thấy "còn rất nhiều khám phá cần được thực hiện".
"Dù các loài sống sâu dưới chân chúng ta dường như có thể bị loại bỏ khỏi sự sống trên bề mặt, nhưng những hệ sinh thái này vẫn đóng vai trò quan trọng gắn liền với sự sống bên trên. Hiện tại, chúng ta vẫn biết quá ít về thế giới dưới chân mình. Có rất nhiều sinh vật đa dạng bên ngoài kia", chuyên gia Marek khẳng định. Chúng ta hiện chưa có bức tranh đầy đủ.