Nước thải trên tàu du lịch sẽ đi về đâu, xử lý thế nào?

Việt Hà

(Dân trí) - Mỗi ngày, lượng nước thải trên các tàu du lịch lên tới con số hàng tấn nên phải có cách xử lý khoa học, tránh ảnh hưởng tới môi trường đại dương.

Nước thải trên tàu du lịch sẽ đi về đâu, xử lý thế nào?

Ngày nay, bất cứ tàu du lịch nào cũng giống như một thành phố lớn. Đó là nơi hành khách trên tàu vẫn cảm thấy thoải mái như ở đất liền, thậm chí các tiện nghi còn tốt hơn.

Trên tàu du lịch, bạn vẫn có thể tắm giặt, bơi trong hồ, sử dụng WC và hàng loạt những sinh hoạt thông thường. Vậy, nước thải bẩn trên tàu sẽ đi về đâu? Chúng được xử lý thế nào?

Nước thải trên tàu du lịch sẽ đi về đâu, xử lý thế nào? - 1
Mọi tàu du lịch cỡ lớn đều có hệ thống xử lý nước thải

Các con tàu trung bình tiêu thụ khoảng 180 - 230 lít nước cho mỗi hành khách/ ngày. Với số lượng có thể lên tới hàng nghìn khách và thủy thủ đoàn thì hàng tấn nước thải mỗi ngày cần được xử lý.

Ví dụ như tàu du lịch lớn nhất thế giới - Harmony of the Seas với sức chứa khoảng 5.500 hành khách cùng 2.300 thành viên thủy thủ đoàn, thì mỗi ngày cần xử lý 1.418.000 lít nước thải. Số nước thải này đều phải qua hệ thống nước thải trên tàu.

Nước thải trên tàu du lịch sẽ đi về đâu, xử lý thế nào? - 2
Cuộc sống trên tàu du lịch giúp hành khách cảm thấy tiện nghi và thoải mái không kém gì so với trên đất liền

Có hai loại nước thải trên tàu du lịch, được phân chia thành nước xám và nước đen. Nước thải xám đến từ giặt ủi, nhà tắm và nhà bếp. Trong khi nước thải đen đến từ nhà WC. Lượng nước thải cao nhất thuộc về nước xám. Nó được trộn với một ít nước đen, rồi gửi tới lò phản ứng sinh học.

Ban đầu, các chất rắn được lọc. Sau đó chúng tới một bể khác. Đó là nơi vi khuẩn được thêm vào, làm nhiệm vụ ăn các thải thải nhỏ và làm sạch nước. Sau khi chúng xong việc, chất lỏng trong bể đã đủ tinh khiết nhưng vẫn được làm sạch bằng tia cực tím, clo và các hóa chất không có hại cho hệ sinh thái của biển.

Nước thải trên tàu du lịch sẽ đi về đâu, xử lý thế nào? - 3
Nước thải trên tàu được xử lý kỹ càng nhằm đảm bảo không gây hại với hệ sinh thái biển. Ảnh minh họa

Ở giai đoạn cuối, nước được phân tích về hàm lượng vi khuẩn. Trong trường hợp vẫn còn sót lại bất cứ vi sinh vật gây hại nào, nó tiếp tục được gửi đi để làm sạch tối đa.

Các chuyên gia cho biết, nước thải sau quá trình cuối cùng thậm chí còn sạch hơn nước biển. Bởi vậy, một số bến cảng cho phép đổ nước thải ra biển trong khu vực vệ sinh 19 km.

Chất thải rắn được lọc trong quá trình đầu tiên được giữ trong các bể đặc biệt cho tới khi tàu du lịch cập bến cảng. Tại đây nó sẽ được xử lý. Tất cả các tàu đều có những thùng chứa đặc biệt, có thể giữ đầy nước và giúp tàu ở vị trí ổn định.