Nữ tiếp viên Việt tiết lộ chỗ ngủ bí mật của phi hành đoàn trên máy bay
(Dân trí) - Chị Trang cho biết, trên những chuyến bay đường dài, đội ngũ tiếp viên, phi hành đoàn cũng được nghỉ ngơi ở các phòng nhỏ bí mật đặt trên trần hoặc ngay dưới hầm máy bay.
Nguyễn Thị Trang (quê Thái Bình) tốt nghiệp Học viện Ngoại giao, có 13 năm gắn bó với nghề tiếp viên hàng không.
Cô gái quê Thái Bình cho biết, công việc giúp bản thân được đặt chân tới nhiều vùng đất trên thế giới, từ châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương, cho tới Bắc Á hay Tây Á... Cùng với đó cô được mở mang tầm nhìn và nhận thức, được tiếp xúc với rất nhiều tầng lớp trong xã hội.
"Tôi thấy điều thú vị nhất mà chỉ có tiếp viên hàng không mới có là "được trả tiền để làm điều mình thích và đi du lịch". Tôi khá tâm đắc với câu nói: Nếu tìm được công việc trùng với sở thích và đam mê, cả đời không phải đi làm", chị Trang chia sẻ.
Chị Trang đã đặt chân tới gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tới thăm châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương và các nước châu Á. Có những thời điểm, một tháng chị Trang bay qua 2-3 nước khác nhau. Cô gái trẻ thường coi đó là những chuyến du lịch cùng bạn bè chứ không phải vất vả áp lực kiểu đi làm nên thấy mọi thứ rất nhẹ nhàng
"Khi đáp xuống sân bay ngoài cơ sở của hãng thì công ty sẽ đài thọ toàn bộ chi phí từ khách sạn tiêu chuẩn 4 sao trở lên, hỗ trợ tiền ăn và tiền chơi thông qua hình thức trả lương theo giờ mà tiếp viên lưu trú. Phần lương này gọi là công tác phí. Công việc đã mang đến cho tôi những trải nghiệm đáng giá", chị cho biết.
Những bí mật thú vị về nghề nghiệp
13 năm gắn bó với nghề, câu hỏi chị Trang được hỏi nhiều nhất là: Đội ngũ phi hành đoàn sẽ ngủ nghỉ thế nào trên các chuyến bay?
Chị Trang cho biết, trên các chuyến bay đường dài, không chỉ hành khách được nghỉ ngơi, các tiếp viên hàng không cũng sẽ có khu vực ngủ riêng. Đó là căn phòng bí mật mà hành khách không được phép tiếp cận.
Tùy theo từng hãng hàng không quy định, nhưng với những chặng bay từ 7 tiếng trở xuống, các tiếp viên không được nghỉ ngơi và vẫn phục vụ hành khách. Còn với chặng bay kéo dài trên 7 tiếng trở lên, đội tiếp viên được chia thành 2 nhóm, thay nhau nghỉ ngơi khi dịch vụ kết thúc.
Khi đó, tiếp viên trưởng và tiếp viên phó sẽ phân công ca ngủ cho đoàn. Tùy theo độ dài chuyến bay, các tiếp viên sẽ có ca ngủ ngắn hoặc ca ngủ dài như 2-3 tiếng hoặc 3-4 tiếng.
Căn phòng bí mật trên máy bay còn gọi là Crew Rest Area (tạm dịch: Khu nghỉ ngơi của phi hành đoàn). Nó thường được thiết kế ở trên trần hoặc dưới hầm máy bay tùy theo kết cấu từng dòng máy. Thậm chí, có những loại máy bay lại đặt phòng ngủ ở giữa hoặc cuối máy bay.
Tại đây sẽ có một cánh cửa ngụy trang để hành khách không biết. Khi tiếp viên ấn một loạt mật mã riêng, một cầu thang dốc mở ra, dẫn tới các giường ngủ. Tuy diện tích nghỉ ngơi nhỏ, hẹp, nhưng được trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn từ bình chữa cháy, đèn pin, điện thoại liên lạc ra bên ngoài. Từng khoang ngủ được chia riêng biệt với lớp rèm dày giúp cách âm và đảm bảo tính riêng tư.
"Để được ngủ ở đây, các tiếp viên đều phải trải qua khóa huấn luyện đào tạo thoát hiểm trong những trường hợp khẩn cấp", chị Trang cho biết.
Những góc khuất của nghề
Bên cạnh niềm vui đam mê với nghề, có những góc khuất mà có lẽ chỉ tiếp viên hàng không mới hiểu.
Chị Trang kể, đó là giây phút tủi thân, chạnh lòng khi thường xuyên vắng mặt vào các dịp lễ, ngày trọng đại bên gia đình, người thân. Cũng như đồng nghiệp, chị Trang luôn trong tư thế sẵn sàng khi được điều động bất kể lịch bay ngày đêm.
Do liên tục di chuyển với lịch trình bay dày đặc khiến đồng hồ sinh học bị thay đổi nên cơ thể không kịp thích nghi trong thời gian ngắn. Có những chuyến, tiếp viên bay tới nước lệch múi giờ với Việt Nam nên giấc ngủ của những tiếp viên hàng không như chị Trang thường bị rối loạn.
Điều khiến chị Trang suy nghĩ nhiều nhất chính là tính chất công việc rất dễ bị hiểu lầm. Nữ tiếp viên thừa nhận, do đặc thù công việc nên môi trường nhiều cám dỗ và cạm bẫy, nếu bản thân không vững bản lĩnh rất dễ mắc sai lầm.
"Có những cá nhân sai phạm nhưng lại khiến ngành hàng không chịu điều tiếng là điều rất bất công với người làm nghề nghiêm túc, chuyên nghiệp. Vì vậy, tôi rất mong hành khách có cái nhìn công tâm hơn với công việc của tiếp viên hàng không", chị Trang bộc bạch.
Do suy thoái kinh tế toàn cầu nên hàng không cũng là một trong những ngành chịu nhiều ảnh hưởng. Tuy vậy, chị Trang vẫn vững tin ngành nghề của mình sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm tới để những người làm nghề như mình được tiếp tục hành trình chinh phục, làm chủ bầu trời.