Nơi người dân có truyền thống gọi nhau bằng cách huýt sáo và hát
(Dân trí) - Thay vì gọi bằng tên như truyền thống, người dân ở làng Kongthong (Ấn Độ) lại giao tiếp với nhau bằng cách hát và huýt sáo. Mỗi người có một chất giọng và giai điệu riêng, tạo nên nét văn hóa độc đáo.
Ở làng Kongthong, miền bắc bang Meghalaya, Ấn Độ có một truyền thống văn hóa vô cùng độc đáo. Đó là cách người dân giao tiếp với nhau bằng tiếng hát và tiếng huýt sáo thay vì gọi tên.
Ibashisha Khongsit, một người dân trong làng cho biết: "Chúng tôi được dạy và phải tập huýt sáo để gọi nhau từ khi còn nhỏ và có nhiệm vụ truyền lại cho thế hệ sau khi trưởng thành".
Người dân ở trong làng đều thuộc bộ tộc Khasi và họ luôn duy trì các phong tục truyền thống của mình, giống như cách mà họ huýt sáo và hát khi gọi nhau.
Làng Kongthong có khoảng 700 cư dân, mỗi người lại có một chất "giọng" riêng khi huýt sáo hay hát, trò chuyện. Đó cũng là cách để họ nhận ra và giao tiếp với nhau.
"Khi tôi huýt sáo gọi ai đó. họ cũng đáp lại nhưng với một giai điệu khác. Chúng tôi cũng gọi nhau như vậy trong lúc làm việc", Ibashisha Khongsit nói.
Giao tiếp bằng giai điệu cũng là cách để dân làng thực hành và duy trì các tập tục truyền thống của địa phương. Giai điệu quen thuộc nhất là Jingrwai lawbei
(bản tình ca của mẹ).
Điều phối viên du lịch Raphael Ralph Shadap chia sẻ: "Ngôi làng nằm cách xa trung tâm thành phố nhưng vẫn trở thành điểm đến thu hút khách du lịch nhờ cách gọi đặc biệt được lưu truyền suốt vài thế kỷ qua.
Kongthong không chỉ nổi tiếng ở Ấn Độ mà còn được biết đến ở khắp nơi trên thế giới".
Người dân trong làng hát nhiều hơn khi một chương trình của Liên Hợp Quốc đề cử Kongthong là "làng du lịch tốt nhất".