Những lễ hội... “bẩn” nhất thế giới

(Dân trí) - Tắm bùn, ném cà chua, ném bột hay phun rượu tại các lễ hội khiến người tham gia không cảm giác "bẩn" mà lại rất vui vẻ khi có những trải nghiệm thú vị.

Lễ hội tắm bùn Boryeong ở Hàn Quốc

Boryeong diễn ra tại Nam Chungcheong (Hàn Quốc) là lễ hội tắm bùn lớn nhất thế giới, được tổ chức hàng năm với mục đích ban đầu để quảng bá công dụng của bùn. Bùn ở đây giàu khoáng chất, tốt cho da và sức khỏe con người nên được sử dụng làm mỹ phẩm. Tuy nhiên, lễ hội ngày càng thu hút nhiều người tham gia và trở thành cơn sốt được mong đợi hàng năm.

Những lễ hội... “bẩn” nhất thế giới

Hàng năm du khách khắp nơi trên thế giới đổ dồn về tham gia lễ hội bùn Boryeong. Bùn được chuyển đến từ Boryeong để tổ chức các hoạt động sôi nổi như: ao tắm bùn, cầu trượt bùn, thi trượt bùn, đấu vật trong bùn, khiêu vũ trong bùn và tô vẽ cơ thể bằng bùn. Ngoài ra, trong khuôn viên lễ hội còn có sân khấu chính, nơi biểu diễn âm nhạc, tổ chức các cuộc thi và nhiều trò chơi khác.

Lễ hội ném cà chua Tomatina ở Tây Ban Nha

Những lễ hội... “bẩn” nhất thế giới

Lễ hội cà chua La Tomatina là một trong những ngày lễ độc đáo nhất của Tây Ban Nha và được tổ chức thường niên vào dịp cuối tháng 8 hàng năm. Đây cũng là sự kiện du lịch lớn của xứ sở bò tót khi thu hút hàng chục ngàn du khách từ mọi nơi đổ về. Đến với lễ hội, du khách được thỏa sức mình ném vào nhau những quả cả chua chín mọng và đắm mình trong “cuộc chiến cà chua” có một không hai.

Lễ hội đuổi theo pho mát lăn ở Anh

Lễ hội đuổi theo pho mát lăn được tổ chức trên đồi Cooper Hill ở Gloucester, Anh. Ban tổ chức lễ hội sẽ thả một miếng pho mát tròn từ đỉnh đồi, hàng trăm đối thủ sẽ cùng nhau thi tài lăn lộn xuống chân đồi để tóm được pho mát. Người chiến thắng là người chụp được pho mát trước khi nó chạm xuống chân đồi (ảnh), nơi có hàng nghìn người cùng tụ tập để theo dõi và cổ vũ.

Những lễ hội... “bẩn” nhất thế giới

Do miếng pho mát lăn nhanh nên nhiều người phải chạy, lăn, trườn thật nhanh theo nó, thậm chí là lộn xuống sườn đồi mới mong đuổi kịp pho mát. Ai giành được miếng pho mát đầu tiên sẽ nhận được giải thưởng là một món quà tượng trưng.

Lễ hội Lathmar Holi, Ấn Độ

Lễ hội Lathmar Holi được người Ấn Độ tổ chức nhằm chào đón mùa xuân. Sự kiện này bắt nguồn từ truyền thuyết về vị thần Krishna và người bạn Radha sau này là vợ ông. Krishna cùng những người chăn cừu tới thăm Radha và đùa nhau bằng việc ném các màu vào Radha. Nàng và những người bạn đáp trả và đuổi đi bằng gậy.

Những lễ hội... “bẩn” nhất thế giới

Tại lễ hội, những người đàn ông ném bột màu và cánh hoa vào phụ nữ, còn phụ nữ chống lại bằng cách dùng gậy tre giả vờ đánh.

Lễ hội Haro, Tây Ban Nha

Trong lễ hội rượu vang Haro ở Tây Ban Nha vào tháng 6, những người tham gia từ cụ già tới em nhỏ đều mặc đồ trắng và không quên mang theo "vũ khí" hay bất kỳ vật gì đựng được rượu vang đỏ để tưới hoặc ném nho vào nhau.

Những lễ hội... “bẩn” nhất thế giới

Những chai rượu vang đỏ ào ào tuôn trào trên các nẻo đường, thậm chí rượu vang còn được cho vào súng bắn nước để “xả” vào đối thủ. Tất cả mọi loại “vũ khí” rượu đều được chấp nhận, miễn là nó phải chứa đầy rượu và không gây sát thương cho mọi người.

Lễ hội té nước, Thái Lan

Giống như Lào, Campuchia và Myanmar, lễ hội Songkran của Thái Lan có ý nghĩa chào đón năm mới với những hoạt động vui chơi chào đón mùa hè - mùa du lịch. Đây là kỳ nghỉ được mong đợi nhất năm của trẻ em ở Thái nhưng dần dần cả người lớn và khách du lịch cũng trông mong và chào đón Songkran không kém.

Những lễ hội... “bẩn” nhất thế giới

“Té nước” thoạt nghe rất nhẹ nhàng và sạch sẽ nhưng nếu tham gia nhiệt tình lễ hội diễn ra vào tháng 4 hàng năm tại Thái Lan này chắc chắn bạn sẽ phải sửng sốt trước hình ảnh “nhầy nhụa” giữa đám đông người chơi.

Lễ hội cam ở Italia

Không phải là bày bán mà cam có mặt ở khắp mọi nơi trên đường phố nơi lễ hội diễn ra. Đó là lễ hội ném cam ở Italia.

Những lễ hội... “bẩn” nhất thế giới



Các đường phố nhỏ hẹp chất đầy cam nát cao đến nỗi thỉnh thoảng người ta phải dùng xe cán tuyết để dọn đường. Chỉ có duy nhất một tấm lưới nhỏ che chắn giữa vùng chiến sự, nếu muốn đi qua nó thì phải căn thời gian chuẩn, nếu không thì có thể sẽ bị dính rất nhiều “đạn cam”.

Minh Anh (tổng hợp)