Những khu ổ chuột gây ác mộng trên thế giới
(Dân trí) - Thế giới là một trò chơi ghép hình khổng lồ, với những mảnh ghép tuyệt đẹp và tối tăm. Khi bạn đang mơ màng trong một cuộc sống đẹp như thiên đường thì lại có những người khác trên thế giới chui rúc trong bẩn thỉu và đói nghèo.
Những nóc nhà bẩn thỉu, lụp xụp, cuộc sống tá túc, tạm bợ của cư dân tại các khu ổ chuột là minh chứng cho sự đói nghèo, lạc lõng với sự phát triển ồ ạt, hào nhoáng của xã hội bên ngoài.
Dưới đây là những khu ổ chuột gây ác mộng nhất trên trái đất. Nơi bạn, tôi hay bất kỳ ai, không bao giờ muốn trở thành một phần cuộc sống của nó.
1. Lâm Phần – Sơn Tây, Trung Quốc
Tọa lạc ngay tại trung tâm của tỉnh Sơn Tây, vùng than của đất nước Trung Quốc, Lâm Phần là thành phố chiếm kỷ lục tồi tệ nhất thế giới về độ ô nhiễm, không khí, môi trường, nguồn nước và nguồn lương thực bẩn. Không khí dày bụi và khói cản trở tầm nhìn, nguồn nước giàu asen quá mức cho phép, không khi ô nhiễm bởi các nhiên liệu hóa thạch và khí độc hại… 3.000.000 người dân ở đây đối mặt hàng ngày với đủ loại dịch bệnh, trong điều kiện môi trường thấp hơn rất xa mức tối thiểu cho phép. Bạn có thể ngửi được mùi hôi nồng nặc khi bạn bước vào Lâm Phần với nước thải tràn lan ở khắp mọi nơi.
2.Bassac, Campuchia
Bắt nguồn từ sáng kiến xây dựng một dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, Basaac được hình thành vào năm 1960. Tuy nhiên, dự án do chính phủ tài trợ này đã trở thành nơi ở cho 2.500 người tị nạn từ năm 1979, khi những người chủ hợp pháp ban đầu “bỏ của chạy lấy người” lúc căn nhà bắt đầu có những dấu hiệu sụt lún và mục nát. Tường nhà làm từ bê tông cốt thép lộ ra những khoảng trống đáng sợ, nơi các cây kí sinh mọc lên và sinh sống. Tòa nhà có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào, chôn sống 2.500 cư dân của nó.
3. Makoko – Lagos, Nigeria
Makoko nằm ngay sát Đại Tây Dương, là một góc của Lagos, Nigeria, thành phố đông dân nhất châu Phi. Khoảng 150.000 đến 250.000 người dân ở đây sống trong những ngôi nhà gỗ ọp ẹp được dựng trên dòng nước đen quánh, đầy rác rưởi và bốc mùi hôi thối. Điện và nước sạch là những điều kiện tối cần thiết và đương nhiên đối với bất kỳ khu dân cư nào nhưng lại vô cùng xa xỉ ở đây.
4. Cubatao, Brazil
Còn khu Cubatao ở Sao Paolo lại là một trong những thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới và có biệt danh là “Thung lũng tử thần" do điều kiện sống bấp bênh của người dân. Tình trạng này bắt đầu kể từ năm 1984, khi một vụ tràn dầu đã thiêu rụi thành phố, cướp đi sinh mạng của gần 200 con người. Sự ô nhiễm không khí ở mức cao do các nhà máy công nghiệp xả khí thải ra môi trường, dẫn tới việc phá hủy rừng trên các ngọn đồi quanh thành phố và tạo ra nhiều em bé dị tật bẩm sinh từ khi còn trong bụng mẹ.
5. Dharavi - Mumbai, Ấn Độ
Trải dài trên 175 ha giữa Mahim và Sion, Dharavi đã nổi lên như một khu ổ chuột lớn nhất châu. Dharavi vẽ lên một bức tranh “sáng sủa” cho mức sống “tiết kiệm” giữa lòng thành phố Mumbai đắt đỏ, nơi bạn có thể thuê một căn hộ với giá chỉ 4 đôla/ tháng.
Dharavi là một nơi trú ngụ cho các ngành công nghiệp quy mô nhỏ như đồ gốm, hàng may mặc thêu, hàng da và nhựa. Thật không thể tin nổi nếu bạn biết rằng tổng thu nhập ròng của các cư dân nơi đây lên tới gần 650 triệu đô la Mỹ. Nhưng Dharavi không phải là thiên đường. Nó tập trung các tệ nạn xã hội như buôn bán ma túy, mại dâm, lạm dụng lao động trẻ con cũng như sự tồi tệ của các công trình cấp thoát nước gây nên các mối đe dọa nghiêm trọng về vệ sinh môi trường mỗi khi vào mùa mưa lũ.
6. Orangi, Pakistan
undefined
Được coi như “đối thủ” Dharavi về mức độ ô nhiễm và chất lượng sống tồi tệ, Orangi có diện tích lớn gấp 30 lần so với Dharvi, dân số của Orangi đã là 720.000 người theo thống kê vào năm 1998. Nếu muốn đến thăm thị trấn này, các bạn trước hết hãy nghĩ cách làm sao để không rơi vào tay những băng nhóm trộm cướp, nghiện hút ở đây.
7. Kibera, Kenya
Kibera có nghĩa là Rừng rậm trong tiếng Nubian, là nơi ở của 1 triệu người và nổi danh là khu ổ chuột lớn nhất tại Châu Phi. Hầu hết cư dân ở đây sinh sống bất hợp pháp, tại các căn nhà lụp sụp của những chủ nhà đã rời xứ mà đi.
Chỉ có 20% dân số của Kibera có điện và không có nguồn cung cấp nước sạch thường xuyên. Nguồn nước bẩn thỉu dân cư sử dụng là nguyên nhân dẫn tới dịch tả và thương hàn. Thanh niên đối mặt với tình trạng thất nghiệp hàng loạt bằng một loại đồ uống có cồn mang tên Changaa và các loại thuốc kích thích gây nghiện giá rẻ dẫn tới gia tăng tệ nạn xã hội như say rượu, hiếp dâm, tăng tình trạng phá thai ngoài ý muốn ở trẻ em gái mọi lứa tuổi và sự lây lan của căn bệnh thế kỉ AIDS.
8. Mogadishu, Somalia
Một lon Coca Cola gỉ hoen và vài vỏ đạn rơi vãi là dấu hiệu chào đón du khách đến với thành phố Mogadishu.
Mogadishu chứng kiến sự tranh giành, bắn phá lẫn nhau giữa các đối thủ trong suốt 17 năm, kể từ khi chính phủ sụp đổ vào năm 1991. Nó trở thành một thành phố hỗn loạn nhất thế giới được đánh dấu bằng tình trạng bất ổn dân sự và sự nguy hiểm gây ra bởi giữa các phe phái quân sự. Những nhiễu loạn này đã khiến cư dân nguyên thủy của thành phố phải bỏ trốn để tại một Mogadishu tan hoang và tàn phá. Những cư dân ở lại rơi vào tình trạng đói khát và tuyệt vọng phải chờ đợi thức ăn từ sự trợ cấp của các tổ chức từ thiện trên thế giới.
Thảo Nguyên (Tổng hợp)