Những điểm đến hấp dẫn bậc nhất tại tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản

(Dân trí) - Tỉnh Yamaguchi, miền nam Nhật Bản, hấp dẫn du khách với những địa điểm tham quan nổi tiếng như cây cầu gỗ hàng trăm tuổi, ngôi đền có 123 cổng Torri rực rỡ và các đặc sản nức tiếng như cá fugu và rượu sake.

Tỉnh Yamaguchi nằm tại vùng Chugoku thuộc đảo Honshu, miền nam Nhật Bản. Nằm cách thủ đô Tokyo hơn 700 km về phía tây nam, Yamaguchi hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, cổ kính và những món ăn ngon. Ngoài tập trung vào thế mạnh là nông nghiệp, những năm gần đây, Yamaguchi đã phát triển ngành du lịch và dần trở thành một điểm đến được nhiều du khách quốc tế biết đến.

Để phát triển du lịch, Yamaguchi đã mở một đường dây nóng hỗ trợ du khách 24/24 với 12 thứ tiếng. Ngoài các ngôn ngữ phổ thông như Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nga, Nga..., trung tâm cũng hỗ trợ các ngôn ngữ của các quốc gia Đông Nam Á như tiếng Thái Lan, Việt Nam, Indonesia..., dựa trên số lượng du khách tới Nhật Bản.


Tiếng Việt là một trong 12 ngôn ngữ được hỗ trợ ở đường dây nóng. (Ảnh: An Bình)

Tiếng Việt là một trong 12 ngôn ngữ được hỗ trợ ở đường dây nóng. (Ảnh: An Bình)

Cầu Kintaikyo


Kintaikyo là một trong những cây cầu đẹp nhất Nhật Bản. (Ảnh: An Bình)

Kintaikyo là một trong những cây cầu đẹp nhất Nhật Bản. (Ảnh: An Bình)

Cây cầu nổi tiếng Kintaikyo, bắc qua sông Nishiki tại thành phố Iwakuni, là một trong những biểu tượng của tỉnh Yamaguchi. Cây cầu bằng gỗ được xây dựng vào năm 1673. Các kỹ sư Nhật Bản đã khéo léo ghép các mảnh gỗ với nhau để tạo nên một cây cầu 5 nhịp hình vòng cung, nằm trên 4 trụ đá. Kiến trúc bằng gỗ hiếm gặp của cây cầu cho thấy tài năng và kỹ thuật tinh vi của các kỹ sư Nhật Bản.

Nằm dưới chân núi Yokoyama, với lâu đài Iwakuni nằm trên đỉnh núi, cầu Kintaikyo thu hút rất đông du khách đến tham quan quanh năm. Cảnh quan quanh cây cầu thay đổi theo mùa, với mỗi mùa mang vẻ đẹp khác. Đặc biệt, nhiều du khách thường đổ về cầu Kintaikyo vào dịp tháng Tư hàng năm để ngắm hoa anh đào khoe sắc hai bên bờ sông Nishiki.

Với tuổi đời hàng trăm năm, cầu Kintaikyo giờ đây không chỉ được xem là công trình kiến trúc tiêu biểu của Yamaguchi mà còn là một trong những cây cầu đẹp nhất của Nhật Bản.

Đền thờ Motonosumi Inari


Đền Motonosumi Inari tọa lạc giữa thiên nhiên hùng vĩ, với 123 cổng Torii trải dài từ trên núi xuống vách đá hướng ra biển. (Ảnh: An Bình)

Đền Motonosumi Inari tọa lạc giữa thiên nhiên hùng vĩ, với 123 cổng Torii trải dài từ trên núi xuống vách đá hướng ra biển. (Ảnh: An Bình)

Một điểm đến mà du khách không thể bỏ qua khi đến Yamaguchi là đền thờ Motonosumi Inari tại thành phố Nagato. Được xây dựng từ năm 1955, đền thờ bao gồm 123 cổng Torii màu đỏ rực rỡ nằm trải dài hơn 100m từ trên núi xuống vách đá hướng ra Biển Nhật Bản. Du khách có thể trải nghiệm cảm giác giống như đang đi bộ qua đường hầm khi dạo bước dưới các cổng Torii.

Đền Motonosumi Inari là một địa điểm linh thiêng khi người dân địa phương thường tới đây để cầu sức khỏe, tài lộc. Không giống các đền thờ khác, nơi hộp dâng lễ thường được đặt thấp, hộp dâng lễ của đền Motonosumi Inari được treo cao 5m ở giữa cổng lớn đặt ở lối vào ngôi đền. Để dâng lễ, du khách phải khéo léo ném tiền sao cho rơi trúng hộp. Người dân địa phương nói rằng nếu ai đó ném tiền trúng hộp thì điều ước của họ sẽ thành hiện thực.


Đường hầm ngoài trời tại đền Motonosumi Inari (Ảnh: An Bình)

"Đường hầm" ngoài trời tại đền Motonosumi Inari (Ảnh: An Bình)

Đền Motonosumi Inari có cảnh quan hùng vĩ làm mê hoặc du khách. Kể từ khi ngôi đền được hãng tin CNN bình chọn là một trong 31 địa điểm đẹp nhất tại Nhật Bản vào năm 2015, số lượng du khách đổ về đây ngày một đông. Tính tới tháng 10/2016, số lượng du khách tới thăm đền Motonosumi Inari đã tăng mạnh so với năm ngoái, lên 400.000 người, so với tổng 72.000 du khách của năm 2015.

Bảo tàng Hagi Uragami


Một tác phẩm của thợ gốm lâu năm Miwa Kyusetsu XII (Ảnh: An Bình)

Một tác phẩm của thợ gốm lâu năm Miwa Kyusetsu XII (Ảnh: An Bình)

Bảo tàng Hagi Uragami được thành lập vào năm 1996 nhằm lưu giữ và trưng bày bộ sư tập nghệ thuật phương Đông có một không hai do doanh nhân Toshiro Uragami, người sinh tại Hagi, trao tặng. Bộ sưu tập quy mô của ông bao gồm khoảng 5.300 bức tranh khắc gỗ của các họa sĩ hàng đầu như Utagawa Hiroshige, Katsushika Hokusai và Utagawa Kuniyoshi; khoảng 500 sản phẩm đồ gốm phương Đông từ Trung Quốc và Hàn Quốc, và khoảng 750 sản phẩm đồ gốm hiện đại.

“Michelin Green Guide Japan 2009” đã bình chọn bảo tàng Hagi Uragami là một điểm đến du lịch 2 sao, điểm du lịch xếp hạng cao nhất tại tỉnh Yamaguchi, bên cạnh cầu Kintaikyo.

Phố cổ tường trắng


Vẻ cổ kính của phố cổ tường trắng (Ảnh: An Bình)

Vẻ cổ kính của phố cổ tường trắng (Ảnh: An Bình)

Khu phố cổ tại quận Furuichi Kanaya ở thành phố Yanai, tỉnh Yamaguchi bao gồm những ngôi nhà cổ kính bên ngoài được sơn màu trắng, nằm san sát nhau hai bên tuyến đường lát gạch. Khu phố có những cửa hàng buôn bán thời kỳ Edo (1603-1867).

Người dân thường đặt các chậu hoa, cây cảnh trước cửa mỗi ngôi nhà để trang trí. Đèn lồng hình cá vàng, được tin là đem lại may mắn cho chủ nhà, được treo trước mỗi mái hiên, tô điểm cho cả khu phố. Những chiếc đèn lồng rực sáng tạo nên khung cảnh lung linh, huyền ảo về đêm. Đi dạo dọc con phố, du khách có thể trải nghiệm sự cổ kính, tĩnh mịch của khu phố cổ.

Thị trấn dưới chân thành


Thị trấn cổ yên bình trong buổi hoàng hôn (Ảnh: An Bình)

Thị trấn cổ yên bình trong buổi hoàng hôn (Ảnh: An Bình)

Thị trấn thành quách cổ, tọa lạc tại thành phố Hagi, cũng là một trong những địa điểm hấp dẫn đối với các du khách yêu thích khám phá văn hóa của Nhật Bản.

Trong thời kỳ Edo (1603-1867), Hagi đã phát triển thịnh vượng thành một thị trấn thành quách và là thủ phủ của bộ tộc Mori, một trong những bộ tộc quyền lực nhất thời bấy giờ. Các trưởng bộ tộc Mori đã cai quản vùng Choshu khi đó (mà nay là Yamaguchi) trong hơn 250 năm và đóng một vai trò trung tâm trong thời kỳ Minh Trị. Các trưởng bộ tộc Mori, gia đình, quản gia đã sống tại thị trấn, trong khi các võ sĩ, thợ thủ công và nhà buôn sống và làm việc ở phía tây thị trấn.

Thị trấn thành quách cổ đã tránh được những thảm họa lớn kể từ thời Edo và một phần của nó vẫn tồn tại cho tới ngày nay. Một số con phố, khu vực trung tâm của thị trấn cùng những ngôi nhà cũ của các võ sĩ samurai và khu vực buôn bán được bảo tồn nguyên vẹn. Du khách có thể thả bước dọc con phố yên bình với những ngôi nhà cổ kính nằm dưới bóng cây xanh.

Di sản thế giới - trường Shoka Sonjuku


Ngôi nhà nơi võ sĩ Shoin Yoshida từng dạy học (Ảnh: An Bình)

Ngôi nhà nơi võ sĩ Shoin Yoshida từng dạy học (Ảnh: An Bình)

Trường tư thục Shoka Sonjuku là một trong những điểm đến tiêu biểu của thành phố Hagi, tỉnh Yamaguchi. Ngôi trường do Shoin Yoshida (1830-1859), một võ sĩ samurai với tư tưởng tiến bộ sống ở cuối thời kỳ Edo, thành lập. Tại ngôi trường này, vốn chỉ là một ngôi nhà nhỏ hai gian, Shoin đã dạy dỗ các samurai trẻ tuổi, trong đó có những người tới từ gia đình rất nghèo. Shoin đã đào tạo ra nhiều người tài tại ngôi trường Shoka Sonjuku. Các sinh viên của ông sau đó đã trở thành các lãnh đạo của Nhật Bản. Một trong số họ là Hirobumi Ito, người trở thành Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản.

Nằm trong một khuôn viên rộng với nhiều cây xanh, trường Shoka Sonjuku giờ đây là một di sản thế giới. Địa điểm này rất phù hợp với các du khách yêu thích tìm hiểu lịch sử của Nhật Bản.

Đặc sản cá nóc


Món cá nóc là đặc sản của Yamaguchi nên hình ảnh loài cá này xuất hiện nhiều nơi trên khắp tỉnh (Ảnh: An Bình)

Món cá nóc là đặc sản của Yamaguchi nên hình ảnh loài cá này xuất hiện nhiều nơi trên khắp tỉnh (Ảnh: An Bình)

Cá nóc và rượu sake là hai đặc sản mà du khách không thể bỏ qua khi tới thăm tỉnh Yamaguchi và hai đặc sản này thường được dùng kèm với nhau để gia tăng hương vị tuyệt vời của món ăn.

Yamaguchi rất nổi tiếng với món cá nóc (cá fugu) - một món ăn được xem là xa xỉ tại Nhật Bản. Điều đáng lưu ý là cá nóc mang độc tố có thể gây chết người, vì vậy để chế biến món cá nóc, các đầu bếp được đào tạo chuyên nghiệm và giàu kinh nghiệm tại Nhật Bản trước tiên phải loại bỏ các bộ phận chứa độc tố trong cá nóc (chủ yếu ở gan, ruột, trứng…). Sau khi được loại bỏ độc tố, thịt cá nóc trở thành nguyên liệu để cho giàu dinh dưỡng.


Các thành viên của trang trại nuôi cá Choshu Nagato Suisan tại thành phố Nagato khoe các đĩa cá nóc được trang trí đẹp mắt. (Ảnh: An Bình)

Các thành viên của trang trại nuôi cá Choshu Nagato Suisan tại thành phố Nagato khoe các đĩa cá nóc được trang trí đẹp mắt. (Ảnh: An Bình)

Các món ăn từ cá nóc thường được bài trí rất cầu kỳ và tinh tế. Các đầu bếp Nhật Bản khéo léo thái những miếng cá nóc thật mỏng và xếp lên đĩa để tạo thành các hình thù bắt mắt, sinh động tạo hình bông hoa cúc hay con chim đang bay... Cá nóc giờ đây là món ăn cao cấp trong các nhà hàng và các bữa tiệc quan trọng của người Nhật. Người dân xứ sở Phù Tang thường dùng cá nóc với một loại nước tương và mù tạt. Nhấm nháp chút rượu sake khi thưởng thức món cá nóc là một trải nghiệm tuyệt vời về ẩm thực Nhật Bản.

Rượu sake


Phòng thí nghiệm của công ty Asahi Shuzo chuyên sản xuất rượu sake tại thành phố Iwakuni. (Ảnh: An Bình)

Phòng thí nghiệm của công ty Asahi Shuzo chuyên sản xuất rượu sake tại thành phố Iwakuni. (Ảnh: An Bình)


Một chai rượu sake Dassai. (Ảnh: An Bình)

Một chai rượu sake Dassai. (Ảnh: An Bình)

Cùng với hoa anh đào, rượu sake là một đặc sản của Nhật Bản. Với lịch sử khoảng 2.000 năm, sake không chỉ là một loại rượu ngon mà còn là truyền thống và văn hóa của đất nước mặt trời mọc. Rượu sake không thể thiếu trong các bữa tiệc và lễ hội tại Nhật Bản.

Một trong những loại rượu sake ngon tại Nhật Bản là Dassai, một dòng sản phẩm nổi tiếng của công ty rượu Asahi Shuzo tại thành phố Iwakuni, tỉnh Yamaguchi. Rượu Dassai được nấu từ những hạt gạo được gọt bỏ lớp vỏ bên ngoài và chỉ còn lại 50% hay 23%. Rượu được nấu từ gạo được gọt vỏ càng nhiều thì càng ngon và giá thành càng cao. Du khách có thể đăng ký tới tham quan khu vực sản xuất rượu của công ty Asahi Shuzo để khám phá quy trình chế biến rượu sake công phu và tỉ mỉ của người Nhật.

An Bình