Những đặc sản có tên gọi “rùng rợn” nhất thế giới, Việt Nam cũng có một món
(Dân trí) - Trên thế giới có rất nhiều món ăn được đặt tên nghe khá kỳ lạ và rùng rợn như: bánh mỳ quan tài, cơm âm phủ, đặc sản “ngón tay của quỷ”… nhưng bù lại chúng có hương vị thơm ngon khiến thực khách mê mẩn.
Đặc sản “ngón tay của quỷ” ở Tây Ban Nha
Con hà ngỗng có tên tiếng Anh là Goose barnacle. Đây là động vật có xúc tu để bám lên những bề mặt cứng tại bờ biển như tảng đá, thân cây, thuyền bè… Tuy kích thước không lớn nhưng chúng có khả năng đục khoét vật cứng, thậm chí là tảng đá lớn.
Với vẻ ngoài giống như những móng vuốt tay, nên món ăn này còn có tên gọi là “ngón tay của quỷ” hay “ngón tay thần chết”. Bù lại, hà ngỗng có vị ngon lạ, là sự pha trộn giữa sò, tôm thậm chí thịt của chúng còn được nhận xét là giống vị cua hoàng đế, nên được chế biến thành món đặc sản hấp dẫn.
Thịt của hà ngỗng còn được nhận xét là giống vị cua hoàng đế, nên được chế biến thành món đặc sản hấp dẫn. Ảnh: WK
Thưởng thức hà ngỗng còn là thú vui ẩm thực xa xỉ đang được thực khách ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đón nhận. Thực khách có thể thưởng thức chung món ăn này với sốt bơ chảy, hoặc ăn không chẳng cần chút gia vị nào để cảm nhận hương vị tươi ngon nguyên bản.
Nhu cầu món ăn này ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha quá cao dẫn tới việc khai thác quá mức. Giá cả và sự khan hiếm khiến thực khách sẵn lòng bỏ ra 100 Euro để thưởng thức 1 đĩa hà ngỗng trong các bữa tiệc.
Do đánh bắt khó khăn và phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên món ăn có giá thành cao. Ảnh: News
Bánh mỳ quan tài – đặc sản trứ danh ở Đài Loan
Nghe tên "bánh mì quan tài" chắc hẳn nhiều người không giấu nổi cảm giác hãi hùng nhưng đây lại được xem là đặc sản được nhiều người dân ở Đài Loan ưa chuộng.
Món bánh mỳ quan tài có tên gọi khá kỳ lạ nhưng lại là đặc sản với hương vị thơm ngon, khó cưỡng
Thực chất, nó chỉ là một lát bánh mì nướng giòn có độ dày khoảng 3 – 4 cm, được khoét rỗng ở giữa và có nắp đậy phía trên.
Nhân bên trong bánh là cà rốt, đậu xanh, ngô, thịt, tôm và một số thành phần khác để tạo nên hỗn hợp sánh mịn với hương vị ngon khó cưỡng. Cắn một miếng bánh, phần nhân ứa chảy như tan trong miệng, phần vỏ giòn rụm, mang đến cảm giác thích thú cho du khách.
Bánh mì quan tài ngon nhất khi ăn nóng, chúng đứng đầu danh sách các món ăn đường phố được yêu thích nhất tại Đài Loan
Ngày nay, ngoài phần nhân truyền thống, bánh mỳ quan tài được biến tấu với nhiều vị khác nhau như: sốt thịt bò, nấm, nhân hải sản, thịt hun khói… Đây là món ăn đứng đầu trong danh sách món ăn đường phố nổi tiếng và được ưa thích nhất tại Đài Loan.
Bánh mỳ quan tài được bày bán khắp nơi, dọc các tuyến phố đặc biệt là trong các khu chợ đêm. Đến Đài Loan du lịch, mà chưa thưởng thức món bánh mỳ quan tài thì chưa phải du lịch Đài Loan.
Cơm âm phủ - món ăn độc đáo của người dân Huế (Việt Nam)
Cơm âm phủ là một trong những món ăn tiêu biểu cho nghệ thuật chế biến đậm nét văn hóa ẩm thực Huế. Trước đây, món ăn này vẫn được lưu truyền với câu: “Muốn ăn cơm dĩa trữ tình/ Có quán Âm phủ ma rình phía sau”.
Tuy có tên gọi kỳ bí nhưng món ăn này có hương vị thơm ngon vừa giản dị lại phảng phất phong cách cung đình khiến nhiều thực khách mê mẩn.
Cơm âm phủ - món ăn đặc trưng cho ẩm thực xứ Huế
Theo nhiều người, về nguồn gốc của tên gọi cơm âm phủ, có nhiều giả thuyết. Tương truyền, trước đây có quán ăn dựng ở vùng đất vắng, thường mở tới khuya để phục vụ khách chủ yếu là người đi xem tuồng, hội, ca, múa…
Trong quán chỉ sử dụng một chiếc đèn dầu cháy leo lắt, lại chỉ bán duy nhất món cơm bình dân trộn lẫn với thịt nạc, rau củ quả, ăn kèm nước chấm đủ ngũ sắc (trắng, xanh, vàng, đỏ, đen) nên khách hàng vui miệng mà gọi tên món cơm quán ấy là cơm âm phủ.
Sự tổng hòa về màu sắc và sự hòa quyện các nguyên liệu của món ăn sẽ mang lại hương vị đặc trưng, khó lẫn cho thực khách.
Ngày nay, với món cơm âm phủ truyền thống của người Huế, thông thường cơm trắng sẽ được đặt ở giữa, xung quanh lần lượt là các món rau củ, thịt nướng, trứng tráng, giò lụa và tôm được đặt đối xứng đan xen với nhau…
Khi trình bày có thể trộn sẵn với nhau hoặc để thực khách tự trộn đều. Ngoài ra, khi ăn kèm với cơm âm phủ, người Huế không thể thiếu một chén nước mắm có pha tỏi, đường, nước cốt chanh. Rưới nước mắm và trộn đều cơm cùng các loại thức ăn trước khi thưởng thức.
Sự tổng hòa về màu sắc và sự hòa quyện các nguyên liệu sẽ mang lại hương vị đặc trưng, khó lẫn cho thực khách.
Hiệp Nguyễn
Tổng hợp