Những công trình "thế kỷ" hút khách ở Đất Mũi Cà Mau
(Dân trí) - Tuyến du lịch xuyên rừng mũi Cà Mau, các công trình "thế kỷ" như điểm cuối đường Hồ Chí Minh, biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi… đã tạo thêm sự hấp dẫn thu hút du khách đến tỉnh cực Nam Tổ quốc.
Lãnh đạo Sở VH-TT&DL Cà Mau cho biết, trong năm 2020, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh và các đơn vị hoạt động du lịch đã khẩn trương thực hiện các giải pháp triển khai có hiệu quả chương trình kích cầu du lịch.
Trong đó, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã đề ra những giải pháp phục hồi phù hợp với điều kiện hiện có để thu hút khách du lịch, như chính sách giảm giá, ưu đãi, đầu tư mở rộng, phát triển sản phẩm, tặng phẩm, xây dựng chương trình mới, nâng cao chất lượng dịch vụ... tạo sự hấp dẫn thu hút du khách.
Qua thống kê của ngành chức năng, khách du lịch đến Cà Mau năm 2020 đạt hơn 1,2 triệu lượt khách, giảm 29,4% so với năm 2019. Doanh thu ước đạt 1.923 tỷ đồng, giảm 26,6% so với năm 2019.
Các hoạt động khai thác tuyến du lịch xuyên rừng Mũi Cà Mau, các công trình "thế kỷ" như biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh, biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi, đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ, biểu tượng cua Cà Mau... đã tạo thêm sự hấp dẫn thu hút du khách đến với tỉnh cực Nam Tổ quốc.
Tuy nhiên, ngành Du lịch Cà Mau cũng nhìn nhận, sản phẩm du lịch địa phương còn thiếu tính đa dạng, chưa tạo được chuỗi sản phẩm, dịch vụ vui chơi, giải trí thu hút khách du lịch lưu lại dài ngày; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa thu hút được sự tham gia tích cực của doanh nghiệp; cơ sở hạ tầng du lịch còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư du lịch;...
Kế hoạch năm 2021, theo Sở VH-TT&DL Cà Mau, tỉnh này phấn đấu thu hút khoảng trên 1,8 triệu lượt khách du lịch (trong đó 30.000 lượt khách quốc tế); tổng doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng.
Yêu cầu đặt ra cho ngành Du lịch là xây dựng sản phẩm du lịch Cà Mau qua các loại hình phù hợp, như: Du lịch địa lý, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với hệ thống rừng ngập nước và du lịch ngư, nông, lâm nghiệp... để Cà Mau trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút với du khách trong và ngoài nước.
Ngành VH-TT&DL Cà Mau sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch như thí điểm Làng văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó xây dựng Làng văn hóa du lịch Đất Mũi, nhằm xây dựng sản phẩm tham quan trải nghiệm, văn hóa, ẩm thực, sản vật đặc trưng,…
Phát huy giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau để phát triển du lịch sinh thái; phát triển sản phẩm xổ vuông, dịch vụ xem thú đêm bằng xe chuyên dùng, hoạt động đờn ca tài tử, tuyến đường bộ xuyên rừng; mô hình du lịch nông nghiệp, tham quan vườn cây ăn trái, hoa kiểng, tổ chức ngày hội cua Năm Căn gắn với ẩm thực địa phương; tạo điều kiện cho các điểm sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc sản đặc trưng như mô hình nuôi hàu lồng, nuôi nghêu, nghề làm tôm khô, bánh phồng tôm, ba khía; tổ chức lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc; kêu gọi đầu tư điểm di tích Bác Ba Phi.
Phát triển các điểm du lịch cộng đồng vườn cây ăn trái, nghề đan đát, gác kèo ong; tổ chức lễ hội Đền Hùng gắn với giỗ Đức Quốc Tổ, gắn với các hoạt động đua xuồng ba lá trên dòng Sông Trẹm; tham quan mô hình nuôi tôm càng xanh;…