Nhóm người giẫm đạp lên thạch nhũ trong hang động: Chuyên gia nói gì?
(Dân trí) - Theo chuyên gia hang động Howard Limbert, tất cả măng đá, thạch nhũ trong hang động đều rất mỏng manh, việc chạm tay, đứng ngồi phía trên đều có thể gây ảnh hưởng đến nó.
Thông tin về hang động mới được phát hiện tại Quảng Bình có vẻ đẹp huyền ảo nhận được sự quan tâm của dư luận. Hang động mới này được đặt tên là Sơn Nữ, thuộc địa phận bản Đìu Đo, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.
Tuy nhiên khi nhiều hình ảnh, video về hang Sơn Nữ được đăng tải trên mạng xã hội, nhóm khảo sát, khám phá hang động đã bị phản ứng bởi hành động được cho là gây ảnh hưởng đến hệ thống thạch nhũ trong hang.
Cụ thể một số người đã trèo lên thảm thạch nhũ, khối măng đá, đứng ngồi khác nhau để chụp ảnh.
Là người có hơn 30 năm gắn bó với công tác khám phá, nghiên cứu hang động tại Quảng Bình, ông Howard Limbert, Trưởng Đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh cho hay, thạch nhũ, măng đá trong hang động đều rất mỏng manh.
Sự hình thành thạch nhũ trong các hang động là một kiệt tác được tạo thành từ đá và nước. Thời gian hình thành phải trải qua hàng trăm triệu năm.
Sự phát triển của thạch nhũ được cho là cứ 10.000 năm mới tăng 1cm. Ở Việt Nam, quá trình này có thể nhanh hơn một chút do điều kiện khí hậu nhiệt đới, mặc dù vậy, thạch nhũ, măng đá phải mất một thời gian rất dài để tạo ra.
Theo ông Howard Limbert, việc đứng lên thạch nhũ, măng đá có thể gây hư hại. Thậm chí khi chạm tay vào, mồ hôi trên tay cũng có thể gây ảnh hưởng đến thạch nhũ.
"Quá trình hình thành thạch nhũ trải qua hàng triệu năm, một hành động không phù hợp có thể hủy đi tạo tác của thiên nhiên. Để giữ vẻ đẹp của hang động thì chúng phải được kiểm soát chặt chẽ. Các hang động đang phục vụ du lịch tại Quảng Bình, đơn vị khai thác không cho phép bất cứ ai chạm vào thạch nhũ hay đứng trên măng đá", ông Howard Limbert nhấn mạnh.
Chuyên gia hang động Hoàng gia Anh đánh giá, ở Quảng Bình, cả động Phong Nha và động Thiên Đường đều đã được cải thiện đáng kể trong những năm qua nhờ việc kiểm soát lối đi nghiêm ngặt và lắp đặt hệ thống đèn LED phù hợp.
"Việc phát hiện hang động mới là điều rất tuyệt vời, chúng ta cần phải khảo sát chính xác, kiểm tra các yếu tố trong hang động để xem liệu có khả năng khai thác du lịch hay không. Cùng với đó là kịp thời có biện pháp để bảo vệ hệ thống thạch nhũ", ông Howard Limbert chia sẻ thêm.
Howard Limbert là người đã có hơn 30 năm gắn bó với Quảng Bình, ông cùng những người cộng sự thuộc Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đã khám phá, nghiên cứu hơn 300 hang động lớn nhỏ, đóng góp vào công tác bảo vệ hang động cũng như sự phát triển của ngành Du lịch Quảng Bình.
Ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, cho hay hang Sơn Nữ được người dân địa phương phát hiện từ trước, tuy nhiên họ chưa tiến sâu vào trong.
Mới đây, UBND xã Trường Sơn đã tiến hành khảo sát, để có báo cáo lên cấp trên. Trong đoàn khảo sát, ngoài cán bộ xã Trường Sơn còn có sự tham gia của một số người dân tại địa phương.
Ông Đức thừa nhận, vì còn thiếu kinh nghiệm, lần đầu khảo sát trong hang Sơn Nữ nên mới để xảy ra sự việc một số người đi lại, ngồi lên các khối thạch nhũ để chụp ảnh.
Sau chuyến đi, phía UBND xã Trường Sơn đã rút kinh nghiệm và có văn bản nghiêm cấm người dân đi vào trong hang Sơn Nữ, tránh việc có thể gây ảnh hưởng đến hang động này.
Hang Sơn Nữ dài hơn 1,5km, nơi cao nhất của hang khoảng 30m, có nhiều khối thạch nhũ rất đẹp. Trong đó có dạng nhũ dòng chảy, nhũ viền có hình thái đẹp, lạ, lóng lánh.
Để đến được hang Sơn Nữ cần phải đi bộ gần 2 giờ đồng hồ. Hang động mới này có 2 cửa trước và sau. Trong hang còn có dòng suối ngầm chảy ra cửa sau, vào suối Khe Mây với khu rừng nguyên sinh hùng vĩ. Mùa hè nước không lớn, có thể chèo thuyền cao su từ đầu đến cuối hang hết hơn 1 giờ đồng hồ.