Hội thảo Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển:

Nhìn lại "khoảng lặng" để phá "nốt trầm buồn" du lịch

Hà Trang

(Dân trí) - Nhìn lại 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch, bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết đó là "những nốt trầm buồn" của du lịch Việt Nam.

Chiều 25/12, trong hội thảo toàn quốc "Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển" diễn ra ở Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giúp du lịch phục hồi sau dịch Covid-19.

Nhìn lại 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch, bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết đó là "những nốt trầm buồn" của du lịch Việt Nam. Từ một ngành công nghiệp không khói đóng góp trên 10% vào GDP, năm 2019 đón số lượng khách quốc tế kỷ lục với 18 triệu lượt khách, đại dịch đã "phủ bóng đen", khiến cho du lịch Việt rơi vào "khoảng lặng".

"Bước sang năm 2020, du lịch Việt Nam rơi vào nốt lặng buồn. Có người bảo du lịch Việt Nam đã bị đông cứng, cũng có người nói rằng du lịch Việt bị đứt gãy. Quả thật, nhìn lại chúng ta thấy rõ sự tác động không hề nhỏ của đại dịch đối với du lịch", bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Nhìn lại khoảng lặng để phá nốt trầm buồn du lịch - 1

Nhìn lại 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch, bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết đó là "những nốt trầm buồn" của du lịch Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Lam).

Không chỉ sụt giảm lượng khách mà doanh thu về du lịch trong 2 năm 2020 và 2021 cũng giảm sút nghiêm trọng. Cụ thể, chỉ tính riêng năm 2020 khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80%, khách nội địa giảm 34% so với năm 2019. Năm 2021, khách nội địa cũng sụt giảm tới 57%, lượng khách quốc tế gần như không đáng kể.   

Đáng chú ý, đại dịch đã khiến hơn 2 nghìn doanh nghiệp du lịch rút giấy phép hoặc ngừng hoạt động. Lực lượng lao động đứt gãy, số lượng không có việc làm rất nhiều, hạ tầng du lịch không có điều kiện để đầu tư, các cơ sở lưu trú không có điều kiện để đón khách.

Tuy nhiên, theo bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trong khó khăn ngành du lịch đã phối hợp cùng các cấp, ban ngành nhanh chóng có các giải pháp thích ứng. Cánh cửa đón khách quốc tế bị đóng lại, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã chuyển hướng sang phát triển du lịch nội địa, nỗ lực tạo ra các sản phẩm tour phù hợp, thích ứng linh hoạt giữa các "vùng xanh, vùng vàng", đưa du khách trở lại với tâm lý thoải mái nhất.

Nhìn lại khoảng lặng để phá nốt trầm buồn du lịch - 2

Việc thí điểm đón khách quốc tế thời gian qua theo bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng là đã đạt được những kết quả tích cực. (Ảnh minh họa).

Dấu ấn đáng chú ý nhất theo bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng là vừa qua, khi Chính phủ giao Bộ Văn hóa chủ trì lên kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế.

Chỉ trong vòng 2 tháng mở cửa đón khách tại Phú Quốc (Kiên Giang) và Khánh Hòa chúng ta đã đón 1,5 nghìn khách quốc tế, tháng 12 đã có 3 nghìn khách đến Việt Nam. Đây là tín hiệu vui, gửi đi thông điệp Việt Nam là điểm đến an toàn, hiếu khách và chào đón mọi du khách đến tham quan, du lịch.

Để phục hồi du lịch trong thời gian tới, theo bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cần có nhiều giải pháp, trong đó có các kế hoạch xây dựng việc đón khách quốc tế song song với việc phát triển du lịch nội địa. Tiếp tục thực hiện nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, thời gian tới cần nghiên cứu, đề xuất những cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện của nền kinh tế hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp phục hồi du lịch. Các chính sách này theo bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cần cụ thể, có tính khả thi cao để tháo gỡ những điểm nghẽn.

Đặc biệt phải thực hiện số hóa du lịch, đây là yếu tố có tính bắt buộc, nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác các tour tuyến du lịch an toàn cho khách lựa chọn. Đi kèm với đó là phân tích, dự báo thị hiếu du khách, thích ứng với điều kiện mới, làm sao để "mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch tiêu biểu".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, việc phát triển kinh tế, du lịch nhưng cũng cần phải đảm bảo an toàn. Bởi khách quốc tế đến Việt Nam họ quan tâm nhất sẽ là "họ có được an toàn hay không"? Điều này cũng cần có những giải pháp cụ thể.

"Những dấu ấn đã qua, những nốt lặng trầm đang diễn ra khiến chúng ta phải suy nghĩ. Tuy nhiên, với sự quan tâm, đồng hành của Đảng và nhà nước, chúng ta có thể kỳ vọng du lịch sẽ phục hồi và phát triển", bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói và cam kết thời gian tới, sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền các cấp, từ đó đề xuất với các cấp có thẩm quyền những chính sách phù hợp.

Hội thảo "Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Nghệ An tổ chức, có 300 đại biểu đến từ Quốc hội, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch cùng thảo luận về thực trạng, giải pháp phục hồi du lịch.