Nhìn lại 3 năm phát triển du lịch miền tây Quảng Nam

(Dân trí) - Qua ba năm (2011-2013) triển khai dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở tỉnh Quảng Nam” do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp với UBND tỉnh thực hiện đã cải thiện sinh kế bền vững cho người dân tại chỗ.

Nhìn lại 3 năm phát triển du lịch miền tây Quảng Nam
Làng du lịch cộng đồng Bhờ Hôồng (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) khai trương đón du khách vào tháng 6/2013

Dù được đánh giá là giàu tiềm năng về văn hóa, thiên nhiên nhưng du lịch các huyện vùng sâu trong đất liền Quảng Nam vẫn chưa có sự phát triển tương xứng so với những nơi khác trong tỉnh. Nhiều năm qua du lịch Quảng Nam chỉ tập trung vào các địa điểm như Hội An hay khu đền tháp Mỹ Sơn… việc mở rộng không gian du lịch nhằm giúp du khách có những trải nghiệm mới về đời sống, văn hóa người dân, nhất là cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở các huyện phía Tây Quảng Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Với việc triển khai dự án du lịch cộng đồng tại ba địa phương trong tỉnh là làng Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên); làng Bhờ Hôồng (xã Sông Kôn) và thôn Đhờ Rôồng (xã Tà Lu, huyện Đông Giang) đã có những chuyển biến mới trong việc tiếp cận những tiềm năng văn hóa du lịch tại các địa phương này.
 
Nhìn lại 3 năm phát triển du lịch miền tây Quảng Nam
Đến với làng du lịch Bhờ Hôồng, du khách sẽ được thưởng thức các điệu múa cồng chiên của đồng bào Cơ tu
 
Thông qua các lớp tập huấn và đào tạo ngắn hạn, người dân tại 3 điểm du lịch cộng đồng đã được trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết để làm du lịch. Ngoài ra việc hỗ trợ, xúc tiến quảng bá các sản phẩm thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, mây tre… không chỉ giúp du khách có trải nghiệm thú vị về những sản phẩm độc đáo mà còn giúp người dân có thêm thu nhập thông qua bán hàng lưu niệm và cung cấp dịch vụ du lịch cho khách tham quan.
 
Dịch vụ homestay ở thôn Mỹ Sơn mở cửa đón khách du lịch
Dịch vụ homestay ở thôn Mỹ Sơn mở cửa đón khách du lịch

Tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở tỉnh Quảng Nam” (2011 - 2013) diễn ra cuối năm 2013 tại TP Tam Kỳ, đại diện tổ chức ILO cho rằng thành công nhất của dự án là đã thuyết phục và làm thay đổi được nhận thức của người dân và chính quyền địa phương về du lịch và hiệu quả của phát triển du lịch đối với mục tiêu giảm nghèo, đặc biệt là người dân đã thật sự được hưởng lợi từ du lịch.

Theo ILO, tính từ lúc khai trương (tháng 6/2013) đến cuối tháng 10/2013 đã có gần 800 khách lưu trú tại 3 làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, Đrờ Rôồng và Bhờ Hôồng, tổng doanh thu từ việc bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và các dịch vụ du lịch ước đạt gần 500 triệu đồng.
 
Du khách đi xe đạp tham quan đồng quê ở khu vực Thánh địa Mỹ Sơn
Du khách đi xe đạp tham quan đồng quê ở khu vực Thánh địa Mỹ Sơn

Còn theo chị Alăng Thi Hôn (người dân thôn Đhờ Rôồng, huyện Đông Giang), dự án không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình mà còn giúp người dân trong làng hiểu hơn những vốn quý văn hóa của dân tộc mình. Khi có đơn đặt hàng của  khách tất cả dân làng đều tham gia phục vụ và được chia mỗi người một triệu đồng từ các dịch vụ của khách chi trả.

Qua ba năm thực hiện dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở tỉnh Quảng Nam” dù vẫn còn không ít hạn chế nhưng không thể phủ nhận những kết quả mà dự án đã mang lại trong việc cải thiện sinh kế người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới... Đặc biệt, mục đích người dân trở thành người hưởng lợi trực tiếp từ du lịch cũng đang bắt đầu thành hiện thực tại ba điểm du lịch cộng đồng này.

C.Bính-L.Vinh