Nhiều người coi hành hương đến núi Bà Đen là việc phải làm mỗi năm
(Dân trí) - Mỗi năm, có hàng triệu người hành hương về núi Bà Đen. Rất nhiều người xem đến núi Bà Đen là việc phải làm thường xuyên để tìm điểm tựa tinh thần.
Ăn chay, ngủ núi để tìm sự thanh tịnh, an yên
Đi dọc các cung đường lớn nhỏ tại thành phố Tây Ninh, không ít nhà hàng và các quán ăn chay người ra vào tấp nập. Ở đây, ăn chay là một trong những nếp sinh hoạt truyền thống và nghệ thuật chế biến món chay của Tây Ninh đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ăn chay là một trong nhiều nghi thức mà người dân Tây Ninh lựa chọn để thể hiện tín ngưỡng trong đời sống văn hóa tâm linh đặc trưng của vùng Nam Bộ. Với số dân hơn 1,1 triệu người, Tây Ninh có đến gần 70% dân số có tín ngưỡng và đặt niềm tin vào sự linh thiêng, huyền bí.
Một trong những biểu tượng trong tín ngưỡng của người Nam Bộ là Linh Sơn Thánh Mẫu được thờ tại núi Bà Đen - đại diện cho tín ngưỡng thờ Mẫu của miền Nam. Núi Bà Đen là một trong những nơi phát tích của tục thờ Thánh Mẫu trong cộng đồng cư dân Nam Bộ. Ngọn núi này cũng gắn với những truyền thuyết mang màu sắc kỳ ảo về Bà Đen 3 lần hiển linh báo mộng được kể lại qua nhiều thế hệ.
Bởi lẽ đó, người đến lễ tại quần thể chùa Bà thực hành rất nhiều nghi lễ, cách thức như ăn chay, ngủ dưới chân núi, hứng nước từ khe suối… Sự linh thiêng theo truyền thuyết của đỉnh núi Bà Đen cho họ một niềm tin rằng, chỉ cần đặt chân đến mảnh đất này, khí thiêng đã được lan tỏa, thẩm thấu và theo họ trong suốt một năm an lành, may mắn.
Theo chị Phạm Thị Ánh (TP Tây Ninh): "Núi Bà Đen là một ngọn núi thiêng. Gia đình chúng tôi năm nào cũng ngủ lại đây ít nhất một tối để hấp thụ khí thiêng đất trời, mong Bà chứng giám lòng thành và phù hộ độ trì cho một năm mới mưa thuận gió hòa, phát tài phát lộc".
Ngọn núi linh thiêng trong tín ngưỡng người dân Nam Bộ
Nhiều người tin rằng chùa Bà là nơi có thể "cầu được ước thấy". Chị Phạm Tuyết Mai (Củ Chi, TPHCM) kể lại: "Cách đây vài năm, tôi từng lên núi Bà khóc với Linh Sơn Thánh Mẫu vì mình lận đận quá và xin Bà ban duyên. Tôi lên cầu Bà ngày Mùng 8 Tết thì đúng ngày Mùng 9 tôi gặp được anh ấy. Giờ chúng tôi đã là vợ chồng và năm nào chúng tôi cũng lên đây để tạ Bà".
Không chỉ tỏ lòng tôn kính với Linh Sơn Thánh Mẫu được thờ ở chùa Bà, rất nhiều người chọn lên đỉnh núi để khấn cầu trước Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn. Anh Nguyễn Văn Nam (Bình Dương) chia sẻ: "Bước lên đỉnh núi Bà Đen tôi cảm giác như đi đến miền đất Phật vậy. Cảm giác rất linh thiêng và uy nghiêm".
Trên đỉnh núi Bà Đen ngày nay, không chỉ có tượng Phật Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng cao nhất châu Á, mà còn là cả một quần thể tâm linh đậm sắc màu Phật giáo.
Ngoài khu triển lãm Phật giáo với những phiên bản mô phỏng nhiều tác phẩm Phật giáo kinh điển và trình chiếu phim về sự hình thành vũ trụ, trên đỉnh núi còn có Cột kinh khắc Bát nhã tâm kinh bằng đá granite đen kim sa cũng thu hút nhiều Phật tử đến chiêm bái. Toàn bộ không gian thiền định uy nghiêm giữa mây trời với miếu Sơn Thần, chùa Hang, động Ba Cô hay Tượng Phật nhập niết bàn tự tại giữa vách núi hướng ra hồ Dầu Tiếng mênh mông… giúp cho núi Bà Đen từ một vùng đất biểu tượng cho tục thờ Mẫu điển hình của người dân Nam Bộ, trở thành miền đất đan xen giữa đạo Phật với tín ngưỡng thờ Mẫu.
Ngày nay, người dân thập phương đến với núi Bà Đen không chỉ bởi những câu chuyện linh nghiệm cầu duyên, cầu tự, cầu tài lộc, mà còn để tìm kiếm sự bình an, thư thái và hạnh phúc. Đó là lý do vì sao mỗi năm núi Bà Đen đón hàng triệu Phật tử thập phương về hành hương.
Theo thống kê của Sun World Ba Den Mountain, tính từ mùng 1 đến 15 tháng giêng năm nay, tổng số khách đến quần thể Sun World Ba Den Mountain tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022. Không dừng lại ở những ngày đầu xuân, núi Bà Đen vẫn luôn là điểm đến linh thiêng đối với nhiều người dân miền Nam quanh năm.