Nhâm nhi đặc sản “gà biển” nức tiếng Nam Trung Bộ
(Dân trí) - Những ai lần đầu thấy cá tắc kè đều ngạc nhiên vì bề ngoài quá đỗi khác lạ, xấu xí, y hệt loài tắc kè sống trên cạn. Nhưng bù lại, cá tắc kè được người dân ở vùng biển biết đến là loài cá có hương vị vô cùng đặc biệt, thơm ngọt như thịt gà đồng.
Cá tắc kè là loại cá sống ở vùng biển khá xa, cách bờ đến cả trăm hải lý. Da cá có màu đỏ hồng, hai vây cánh nằm dọc theo bên thân kéo dài đến tận đuôi. Do hình dáng phần đầu khá giống với con tắc kè sống ở trên cạn nên ngư dân quen gọi là cá tắc kè hay cá kè.
Ở Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Nha Trang,… cá tắc kè được đánh bắt khá nhiều. Việc đánh bắt cá tắc kè diễn ra quanh năm bằng các hình thức chủ yếu là lưới giã cào, lưới mùng hoặc dùng đoọc để lặn và đâm.... Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, biển động (từ tháng 10-12 âm lịch) thì cá tắc kè vào sát các rạng đá gần bờ đảo để sống và sinh đẻ.
Xưa kia, do hình thù xấu xí đến gớm ghiếc, hơn nữa phần thịt của cá tắc kè chỉ chiếm khoảng 1/3 trọng lượng cơ thể nên chẳng mấy ai để ý. Loại cá này chỉ được người dân và các cơ sở chế biến mua về để làm thức ăn cho gia súc. Bỗng dưng mấy năm gần đây, sau khi biết cách chế biến và thưởng thức đúng “chuẩn” thì nhiều người mới nhận ra hương vị thơm ngon “thượng hạng” của loài cá này.
Cá tắc kè cũng như một số loại cá biển khác, có thể chế biến thành nhiều món. Nhưng chỉ có đem nướng trên than củi thì món ăn mới thực sự là “số một”. Chính vì hương thơm đặc trưng, vị ngon ngọt khó có cá nào sánh bằng nên ngư dân Quảng Ngãi mới có câu:
“Cá thu, cá trích, cá mè...
Im re khi gặp tắc kè nướng than”.
Cá đem về không cần đánh vảy, chặt bỏ vây, đuôi hay tẩm ướp bất kỳ loại gia vị nào, chỉ cần rửa sạch là có thể đặt trực tiếp lên bếp than. Khi mới đưa vào bếp, lớp da cá vẫn còn mướt. Chỉ mươi phút sau, lớp da đỏ chuyển sang màu nâu đen, cũng là lúc mùi thơm bốc lên ngây ngất.
Khi ăn cá tắc kè chỉ cần gạt bỏ lớp da, vảy bên ngoài thì phần thịt cá màu trắng đục sẽ lộ ra. Vị ngọt, ngon và mùi thơm đến "điếc" mũi của món ăn sẽ khiến thực khách “thích mê”. Thịt cá tắc kè ngon đến độ còn mang lại cho người thưởng thức cảm giác tựa như khi ăn thịt gà đồng. Vì thế loài cá này còn được nhiều người gọi tên là đặc sản "gà biển".
Món cá tắc kè nướng luôn đi cùng rau răm. Để cho món ăn chuẩn vị hơn thì không thể thiếu chén muối ớt dùng kèm. Muối phải là muối hạt sống giã với ớt xanh và thêm một chút bột ngọt thì mới ngon.
Nhiều thực khách sành ăn cho rằng, người biết thưởng thức cá tắc kè nướng thì không ai dùng tới đũa. Chỉ cần dùng tay không tách đầu cá, từ từ lôi ra bộ lòng nóng hổi, chấm nhẹ vào chén muối ớt là có thể tận hưởng vị bùi bùi, béo ngậy và đăng đắng từ tim, gan, mật cá tiết ra, thấm từ đầu lưỡi đến khắp vòm họng và mãi mê mẩn, vấn vương.
Những hôm vào mùa mưa, trong mâm cơm người Nam Trung Bộ thế nào cũng có món cá tắc kè dầm với nước mắm ngon ăn kèm rau sống. Ngoài ra, người dân vùng biển Ninh Thuận thường đãi khách du lịch món cá tắc kè hấp. Món này có vẻ phức tạp hơn khi phải chế biến cùng nhiều nguyên liệu như thịt băm, nấm mèo... Cá tắc kè hấp khi ăn cuốn cùng bánh tráng, các loại rau xanh, chuối chát, khế, chấm với nước mắm tỏi ớt.
Nếu có dịp ghé thăm một làng chài nào đó ở Nam Trung Bộ, thi thoảng bạn sẽ bất chợt ngửi thấy một hương thơm nhè nhẹ nhè, thoang thoảng hòa quyện trong gió. Hương thơm ấy vừa mặn mà vị biển, vừa thấm đẫm vị ngọt ngào của quê hương. Và cứ thế, du khách sẽ dần bị “dẫn dụ” đến mức mê mẩn hương vị đặc trưng của món cá dân dã này.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp