Nha Trang: Du khách "liều mạng" tắm biển bất chấp sóng lớn cực nguy hiểm
(Dân trí) - Ngày 28/11, mặc dù sóng biển Nha Trang cao 2-3m và lực lượng chức năng đã cắm biển báo nghiêm cấm xuống nước nhưng nhiều du khách nước ngoài vẫn vô tư tắm biển.
Tình trạng du khách bất chấp sóng lớn cùng biển báo nghiêm cấm để xuống tắm biển hoặc đùa giỡn với sóng, đã xảy ra tai nạn nghiêm trọng là điều không hiếm. Mới đây, ông Denis Gurov (33 tuổi, du khách Nga) bị tai nạn khi đang tắm biển vào chiều 24/11. Ông Denis Gurov nhập viện trong tình trạng tỉnh táo nhưng tứ chi đều bị liệt do sóng đánh chấn thương cột sống cổ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trương Kỉnh, Trưởng Ban quản lý Vịnh Nha Trang cho biết, khi có biển động, Đội thanh niên xung kích và Đội cứu hộ bờ biển Nha Trang đã tổ chức cắm biển báo, nhắc nhở du khách. Tuy nhiên, không ít du khách vẫn bất chấp nguy hiểm đùa giỡn với sóng biển.
Theo ông Kỉnh, trường hợp du khách Nga bị sóng biển đánh gãy cổ, liệt tứ chi là “trường hợp đầu tiên” xảy ra ở bãi biển Nha Trang. Một nam du khách từng bị tai nạn sóng biển cho biết, khi anh đang bơi thì sóng lớn “kéo” lên rồi đập mạnh xuống nền cát. Cú “ném” từ 2-3m xuống bờ cát khiến anh bị chấn thương vai, thậm chí có thể nặng hơn là gãy cổ như trường hợp du khách Nga.
Theo Ban quản lý Vịnh Nha Trang, hiện biên chế Đội cứu hộ bờ biển là 38 người, nhưng hiện chỉ có 33 người đang làm việc, số còn lại do thu nhập thấp nên họ đã chuyển đi tìm việc khác. Ngoài ra, do phạm vi cứu hộ rộng (từ bãi tắm trường Sĩ quan Thông tin, đường Phạm Văn Đồng đến bãi tắm Thanh niên, đường Trần Phú) nên công tác cứu hộ cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nay, Đội cứu hộ bờ biển Nha Trang được trang bị ca nô, mô-tô nước, phao cứu sinh, cùng các phương tiện chuyên dụng và được huấn luyện hàng năm từ nhóm cứu hộ bờ biển Úc.
Trưởng Ban quản lý Vịnh Nha Trang - ông Trương Kỉnh, cho rằng, để đảm bảo an toàn cho du khách, ngoài nỗ lực của lượng lượng cứu hộ bờ biển thì cần có sự cộng tác, phối hợp của các khách sạn dọc bờ biển Nha Trang. Theo đó, các khách sạn được địa phương giao mặt bằng, ngoài việc khai thác du lịch thì cần tổ chức, trang bị phương tiện cho công tác cứu hộ.
Được biết, từ đầu năm đến nay, Đội cứu hộ bờ biển đã cứu sống 82 trường hợp, riêng tháng 11 cứu sống 10 trường hợp, trong đó có 2 người nước ngoài. Thời gian qua, Đội cứu hộ bờ biển Nha Trang được xem là “cứu tinh” của du khách nếu bất ngờ xảy ra sự cố ngoài mong muốn.
Sóng biển đánh gãy tay hoặc gãy cổ du khách ở Nha Trang mùa biển động không phải là chuyện hiếm
Viết Hảo