Nhà hàng ở Campuchia xây cầu hình bàn tay nghi nhái cầu Vàng Đà Nẵng

Huy Hoàng

(Dân trí) - Hình ảnh cây cầu với 2 bàn tay nâng đỡ xuất hiện trong khu nghỉ dưỡng ven sông Mekong ở Campuchia khiến nhiều người liên tưởng tới phiên bản gốc là công trình Cầu Vàng của Đà Nẵng (Việt Nam).

Hình ảnh cây cầu với 2 bàn tay nâng đỡ xuất hiện trong khu nghỉ dưỡng, nhà hàng ven sông Mekong ở Campuchia thu hút sự chú ý từ cộng đồng mạng.

Cách thiết kế của công trình có phần thô sơ và đơn giản nhưng vẫn khiến nhiều người liên tưởng tới phiên bản gốc là cầu Vàng tại Đà Nẵng (Việt Nam) vốn rất nổi tiếng và đặc biệt hút khách du lịch suốt thời gian qua.

Nhà hàng ở Campuchia xây cầu hình bàn tay nghi nhái cầu Vàng Đà Nẵng - 1

Công trình ở Campuchia nằm bên dòng sông Mekong được thiết kế mô phỏng cầu Vàng (Ảnh: River Grass).

Được biết, đây là một trong những thiết kế mô phỏng các công trình nổi tiếng thế giới nằm trong khuôn viên của khu nghỉ dưỡng, nhà hàng River Grass.

Du khách tới đây còn thấy nhiều hình ảnh mô phỏng khác như cầu Cổng Vàng (Mỹ), cánh cổng trời Torii (Nhật Bản) hay cổng trời Bali (Indonesia). Đây đều là những nơi check-in yêu thích của du khách.

Theo chia sẻ từ truyền thông Campuchia, khu nghỉ dưỡng nhà hàng River Grass được mô tả có lối kiến trúc độc đáo kèm theo nhiều cảnh quan đẹp.

Cơ sở lưu trú này nằm tại thành phố Kampong Cham, nằm bên dòng sông Mekong. Đây cũng là thành phố lớn thứ 3 của Campuchia, cách thủ đô Phnôm Pênh khoảng 125km về phía Đông Bắc.

Nhà hàng ở Campuchia xây cầu hình bàn tay nghi nhái cầu Vàng Đà Nẵng - 2
Cầu Vàng ở Đà Nẵng được truyền thông thế giới ca ngợi (Ảnh: Mail).

Cầu Vàng của Đà Nẵng mở cửa đón khách từ tháng 6/2018, nằm ở độ cao 1.414m so với mực nước biển. Đây là cây cầu duy nhất ở Đà Nẵng không bắc qua con sông nào, thậm chí còn tọa lạc trên núi cao. Công trình có thiết kế ấn tượng, gợi lên hình ảnh bàn tay khổng lồ nâng đỡ cây cầu vắt ngang qua như một dải lụa vàng.

Chỉ 2 tháng sau khi ra mắt, công trình nằm trong Top đầu danh sách "100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới" do nhiều hãng thông tấn nổi tiếng bình chọn như AFP, Reuters, CNN Travel, BBC, The Guardian.

Đến nay, nhiều công trình khác trên thế giới bị nghi đạo nhái hoặc lấy ý tưởng từ cầu Vàng của Đà Nẵng.

Nhà hàng ở Campuchia xây cầu hình bàn tay nghi nhái cầu Vàng Đà Nẵng - 3

Nhiều góc độ của cầu Phật Thiên Quan giống hệt cầu Vàng Đà Nẵng (Ảnh: Xiaohongshu).

Trước đó, cầu Phật Thiên Quan mô phỏng bàn tay khổng lồ tọa lạc giữa rừng núi tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) được cộng đồng mạng xã hội nhận xét giống hệt phiên bản gốc.

Công trình khánh thành vào dịp Tết Nguyên Đán năm 2023, nằm ở khu thắng cảnh Malingtian thuộc thành phố Jiande, tỉnh Chiết Giang. Ngay lập tức, nơi này trở thành điểm đến check-in hút khách trên nhiều nền tảng mạng xã hội.

Chiều rộng của cầu dài 5m và chiều cao của bàn tay Phật là 23m, nằm trên đỉnh núi cao hơn 1.000m. Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt hướng về không gian khoáng đạt của vùng núi ở phía đối diện.

Tương tự, năm 2022, một cây cầu khác ở Philippines khi ra mắt công chúng cũng gây xôn xao bởi thiết kế giống với công trình ở Đà Nẵng.

Nhà hàng ở Campuchia xây cầu hình bàn tay nghi nhái cầu Vàng Đà Nẵng - 4
Cầu bàn tay khổng lồ với móng tay sơn đỏ ở Philippines (Ảnh cắt từ clip).

Theo giới thiệu, cầu Giant Hand (Bàn tay khổng lồ) nằm tại Bauko, tỉnh Mountain. Công trình được thiết kế với những ý tưởng mô phỏng giống bản chính nhưng lại được sáng tạo với các ngón tay sơn màu đỏ chót.

Một blogger du lịch chia sẻ, cầu bàn tay khổng lồ ở Philippines có tầm nhìn thoáng, hướng xuống khu vườn rau bên dưới. Khi du khách bước chân lên cầu có cảm giác được một bàn tay lớn nâng đỡ. 

Tháng 8/2019, cầu Xianshou (cầu bàn tay tiên) được khánh thành ở thành phố Tam Ninh, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, từng gây tranh cãi vì thiết kế giống với phiên bản của Việt Nam.

Công trình nằm trong khu tham quan Guxi Xinghe với mặt kính trong suốt dài gần 100m, uốn cong, nhô ra khỏi sườn núi. Theo chia sẻ của truyền thông địa phương, cầu được thiết kế dựa trên truyền thuyết ca ngợi lòng hiếu thảo của người con trai lên núi hái thuốc chữa bệnh cho mẹ.