Người phụ nữ Nùng bỏ phố về quê, làm homestay quảng bá văn hóa dân tộc
(Dân trí) - Năm 2018, chị Hoàng Thị Lan rời thành phố, về quê nhà tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng để mở homestay, cùng bà con phát triển du lịch.
Cao Bằng được ưu ái đặt tên là "viên ngọc xanh" của vùng Đông Bắc với cảnh sắc thiên nhiên ấn tượng, hệ thống hang động, suối thác kì vĩ, khí hậu trong lành. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có hơn 200 di tích, 4 di sản phi vật thể quốc gia; trên 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, với nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc; nổi tiếng với nhiều đặc sản, sản vật, ẩm thực độc đáo.
Đây là những điều kiện lý tưởng để Cao Bằng phát triển đa dạng các loại hình du lịch, như: Du lịch lịch sử cách mạng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng,... và đặc biệt là du lịch cộng đồng. Những năm gần đây, tại Cao Bằng đã có nhiều địa phương làm rất tốt du lịch cộng đồng và bắt đầu có những mô hình homestay có chất lượng cao, được du khách trong nước và quốc tế yêu thích.
Lan's Homestay (làng Háng Thoang, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh) nằm gần thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, thuộc tuyến du lịch "xứ sở thần tiên" là mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng. Hiện nay, đây là homestay duy nhất của tỉnh đạt 4 sao OCOP theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở loại hình dịch vụ du lịch nông thôn.
Chủ homestay là chị Hoàng Thị Lan, một người phụ nữ dân tộc Nùng sinh ra ngay tại làng Háng Thoang. Trước khi trở về quê hương mở homestay, chị Lan là phiên dịch viên. Chị từng tới nhiều điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước và thế giới.
"Tôi từng du học tại Trung Quốc, chinh phục Himalaya và trải nghiệm cuộc sống của bà con bản địa nơi đây, đến một số quốc gia châu Âu… Càng đi nhiều nơi tôi càng nhận ra quê hương mình có những tiềm năng lớn về cảnh quan, văn hóa. Năm 2018, tôi quyết định rời thành phố, trở về vùng quê nghèo để cùng bà con làm du lịch, phát triển kinh tế. Đây là quyết định khó khăn nhưng vì yêu quê hương, tôi vẫn quyết tâm thực hiện", chị Lan chia sẻ.
Trên mảnh đất 4000m2 của gia đình và người thân, chị Lan cải tạo, xây dựng hai dãy nhà sàn truyền thống, một nhà đá cổ. Phía trước nhà là dòng sông Quây Sơn xanh mát chảy qua, xung quanh là ruộng, vườn, núi đồi - tạo nên vẻ đẹp hữu tình.
Từ homestay này, du khách có thể đi dạo để tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên, chèo thuyền ngắm sông Quây Sơn, đạp xe hay đi xe máy tới thăm các địa danh nổi tiếng như: thác Bản Giốc, thượng nguồn sông Quây Sơn tại xã Ngọc Côn, chợ phiên…
Đặc biệt, du khách có thể hòa mình vào cuộc sống người dân tộc Nùng tại địa phương: mặc trang phục truyền thống, cùng bà con làm vườn, trồng lúa, cưỡi ngựa, chế biến các món ăn truyền thống như thịt gà, thịt lợn đen, xôi nếp nương, cá sông, rau rừng, bánh cuốn…
Hiện homestay có thể đón tối đa 70 khách/ngày. Công suất phòng ngày cuối tuần thường xuyên đạt tới 85 - 90%, thu hút du khách tới từ khắp cả nước và quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu.
Cơ sở homestay của chị Lan đang tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10 người dân bản địa. Bên cạnh đó, chị cùng bà con địa phương kết hợp trồng lạc, ngô, gạo… hữu cơ và hỗ trợ tiêu thụ cho bà con. Chị Lan cũng phối hợp chính quyền xã, huyện tổ chức các buổi hướng dẫn, đào tạo bà con làm hướng dẫn viên, học ngoại ngữ để đưa du khách trải nghiệm leo núi, đi thuyền trên sông…
"Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nâng cấp, cải tạo, bảo tồn văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách cũng như gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống bản địa bằng các giải pháp cụ thể, trong đó có việc duy trì tổ chức biểu diễn văn nghệ dân gian và truyền dạy cho thế hệ trẻ, tập hợp sản phẩm bản sắc văn hóa của người Tày, Nùng để giới thiệu với du khách những giá trị văn hóa truyền thống", chị Lan cho hay.
Ông Lương Văn La - Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy, Trùng Khánh cho biết, Lan's homestay là mô hình du lịch tiêu biểu để bà con trong địa phương xã học tập, noi theo, góp phần bảo vệ văn hóa truyền thống và xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững.