Người Hà Nội cho cá chép đi "cầu trượt" tiễn ông Công ông Táo về trời

Hà Hiền

(Dân trí) - Nắm bắt được nhu cầu của người dân, một chung cư ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã "xây cầu trượt" bằng nhôm phục vụ cư dân tiễn cá chép chầu trời.

Người Hà Nội cho cá chép đi "cầu trượt" tiễn ông Công ông Táo về trời

Chiếc "cầu trượt" làm bằng nhôm, dài khoảng 5m, được đặt trên mặt cỏ một đầu kê lên mép hàng rào, một đầu chạy thẳng xuống hồ nước nhân tạo. Phía ngoài miệng máng trượt được thiết kế theo hình chiếc phễu để dễ dàng thả cá.

Người Hà Nội cho cá chép đi cầu trượt tiễn ông Công ông Táo về trời - 1
Chung cư ở Hà Nội làm "cầu trượt" bằng nhôm phục vụ cư dân tiễn cá chép chầu trời.
Người Hà Nội cho cá chép đi cầu trượt tiễn ông Công ông Táo về trời - 2
Đứng trên vỉa hè, ngoài hàng rào vẫn có thể thả được cá chép xuống hồ thông qua chiếc "cầu trượt" này.

Ông Trần Minh Tuyến, Phó Ban quản lý chung cư cho biết: "Cách đây 1 tuần, chúng tôi đã lắp đặt, để biển thông báo tới người dân. Năm ngoái chúng tôi làm "cầu trượt" bằng ống nhựa nhưng năm nay làm bằng nhôm hiện đại hơn.

Người dân có thể cho trẻ con đi thả cá cùng, ngoài ý nghĩa đưa ông Táo về trời thì đây cũng là dịp để người lớn truyền dạy cho trẻ con ý thức bảo vệ môi trường và nhớ đến những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Cư dân rất ủng hộ và thích thú nên từ các năm sau chúng tôi vẫn áp dụng hình thức thả cá này".

Anh Nguyễn Đức Tuấn, cư dân sinh sống ở khu chung cư chia sẻ: "Ý tưởng này của ban quản lý chung cư rất hay, tránh tình trạng cá chép bị thương, hoặc đuối sức khi bị thả từ trên cao xuống. Bố mẹ có thể cho con cái đi cùng để thả cá mà không lo ngã xuống sông hay hồ".

Ghi nhận trong chiều ngày 22 tháng Chạp (tức 3/2 dương lịch), một số người dân sinh sống ở chung cư đã "rủ nhau" đi thả cá chép sớm.

Người Hà Nội cho cá chép đi cầu trượt tiễn ông Công ông Táo về trời - 3
Nhiều gia đình cũng đưa trẻ nhỏ ra hồ thả cá để con cháu hiểu được phong tục truyền thống từ bao đời nay của dân tộc.
Người Hà Nội cho cá chép đi cầu trượt tiễn ông Công ông Táo về trời - 4
Người dân sinh sống ở đây, đặc biệt các em nhỏ rất thích thú với hình thức thả cá này. Các em nhỏ có thể dễ dàng thả cá chép xuống hồ mà không cần phải bước qua hàng rào.
Người Hà Nội cho cá chép đi cầu trượt tiễn ông Công ông Táo về trời - 5
Người dân thả cá chép và cầu mong những điều tốt đẹp, may mắn trong năm mới.

Thường cúng ông Công, ông Táo sớm nên chị Nguyễn Thị Ngọc (cư dân sinh sống ở chung cư) mua cá chép đỏ từ tối hôm trước, chị thả cá vào một hộp nước sạch. Sau khi cúng xong, chị cùng con gái mang hộp cá ra hồ để thả.

Người Hà Nội cho cá chép đi cầu trượt tiễn ông Công ông Táo về trời - 6
Bên cạnh máng thả cá, Ban quản lý chung cư này còn để thùng rác cho người dân bỏ túi nilon sau khi thả cá.
Người Hà Nội cho cá chép đi cầu trượt tiễn ông Công ông Táo về trời - 7
Ghi nhận trong chiều ngày 22 tháng Chạp, tất cả người dân đi thả cá đều đeo khẩu trang để phòng dịch.

Theo phong tục của người Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày cúng ông Công, ông Táo hay còn gọi là Tết Táo quân. Người Việt xưa tin rằng, Táo quân là vị thần quản lý khu bếp của gia đình, có nhiệm vụ báo cáo mọi việc tốt xấu trong năm của gia chủ với Ngọc Hoàng.

Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, "cá vượt vũ môn" hay "cá chép hóa rồng" còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền bỉ chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.