Ngọt thơm mùi vị “nhân sâm trên trời” của đất võ Bình Định
(Dân trí) - Ở vùng đất võ Bình Định, hương thơm quyến rũ của món chim mía đã níu chân biết bao du khách. Dân gian cho rằng chim mía giàu dinh dưỡng, mùi vị thơm ngon nên được gọi là "nhân sâm trên trời".
Đến với thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, du khách sẽ thấy những cánh đồng mía bạt ngàn thẳng cánh cò bay. Cứ khi đến vụ thu hoạch, nơi này lại xuất hiện vô số đàn chim – loài chim nhỏ như chim sẻ mà dân gian vẫn thường gọi là chim mía.
Chim mía là tên gọi chung cho tất cả những loài chim cư trú trong đám mía. Thi thoảng, cũng có nhiều loại chim khác như quốc, giồng giộc, cúm núm và những giống chim lớn hơn kéo đến làm tổ hoặc chọn nơi “tạm trú” trên các cánh đồng mía. Nhưng ít ai biết rằng, giống chim mía đích thực chỉ nhỏ như chim sẻ nhưng có chân và mỏ dài hơn. Loài này sống theo bầy đông đúc lên cả hàng trăm, hàng ngàn con.
Nếu có dịp về các chợ quê miền Trung, nhất là ở Quảng Ngãi hay Bình Định, bạn sẽ thấy người ta bán từng xâu chim mía mới làm lông còn tươi nguyên. Lúc này, đừng thờ ơ hay đắn đo mà hãy mua ngay bởi món quà bình dị ấy rất rẻ mà lại mang đậm hương vị quê hương đất võ. Dân gian cho rằng chim mía giàu dinh dưỡng, mùi vị thơm ngon nên được gọi là "nhân sâm trên trời".
Muốn đánh bắt chim mía, người ta dùng cái trủ như tấm lưới căng suốt bờ ruộng, đặt cao hơn ngọn mía. Sau đó, người dân chỉ cần cầm sào dài đập vào lá mía, rung đuổi chim và cứ thế lần lượt chúng chuyền dần vào trủ.
Những chú chim mía béo tròn sau khi vặt lông, hơ qua lửa cho cháy hết lông tơ sẽ chỉ còn lại như một miếng thịt nạc. Sau đó, người ta rửa sạch, mổ moi ruột rồi ướp gia vị tùy theo cách chế biến mỗi món ăn. Món ngon nhất từ chim mía là chim nướng và rô-ti.
Muốn làm món nướng, người ta ướp thịt chim với các loại gia vị gồm: muối hạt giã nhỏ với ớt, hành, hạt tiêu, thêm ít bột ngọt và ngũ vị hương. Tiếp đến, dùng một cái xiên để nướng chim trên bếp than hồng. Chim mía nướng vừa nhanh, vừa rất đơn giản mà lại ngon miệng.
Khi nướng, chỉ cần lưu ý nhanh tay lật trở để chim chín đều và không bị cháy. Khi những chú chim mía chuyển sang màu vàng ruộm, mỡ chảy xèo xèo trên bếp và dậy mùi thơm là món ăn đã hoàn thành. Chim mía nướng nóng giòn chấm với muối tiêu chanh thì mới thực sự đúng vị.
Với món rô-ti, đầu bếp thì chỉ cần thả chim vào chảo dầu vừa sôi, mươi phút sau là chim đã chín vàng, xương thịt giòn tan. Những chú chim xếp ra đĩa, rắc lên trên ít hạt mè rang hay lá chanh cho đẹp mắt là có thể thưởng thức. Chim mía hấp dẫn từ màu vàng ươm đến hương vị giòn, dai, ngọt đậm đà.
Dù chế biến chim mía theo công thức nào thì khi thưởng thức, nhất định phải có bình rượu Bàu Đá chính hiệu Bình Định kế bên. Mùi chim mía thơm ngọt, đậm đà quyện với chút cay cay của rượu như tăng thêm mùi vị món ăn.
Thêm vào đó, nếu được ngồi trong một túp lều lợp bằng lá mía bên cạnh một cánh đồng mía đang ươm mật, thực khách có thể vừa thưởng thức thịt chim, vừa tận hưởng cơn gió cuối thu dìu dịu thổi tan đi cái nắng gay gắt của một mùa hè đã qua. Lúc này, thực sự không còn niềm vui thú nào sánh bằng.
Nhiều người dễ lầm chim mía với một loài khác là chim áo giá (áo đà). Đây là loại chim đầu to, mỏ dài, thịt nhạt không ngon. Những người sành ăn cho rằng, chim mía “chuẩn” là loại chim có đầu nhỏ, mỏ ngắn, thịt chắc mà ngọt. Bên cạnh đó, cắn vào đâu của chim mía cũng thấy thơm, thấy ngọt và có chút gì đó phảng phất như cánh đồng mía mùa thu, chắc chắn sẽ khiến thực khách muốn nhâm nhi mãi không ngừng.
Món đặc sản này nổi tiếng đến mức du khách gần xa khi đến đây đã để lại câu nói:
Ai về Kiên Mỹ, Phú Phong
Ăn con chim mía thỏa lòng ước ao.
Đồng mía Tây Sơn - Phú Phong giờ vẫn ngát xanh, là chỗ cho chim mía ngày càng sinh sôi nảy nở, đủ sức đãi mời du khách gần xa.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp