"Ngon bá cháy" với món "vùi mình trong khói lửa" ở miền Tây ngày Tết
(Dân trí) - Những ngày Tết Nguyên đán ở quê miền Tây như Bạc Liêu thường bắt gặp hình ảnh cá lóc nướng rơm, nhìn rất hấp dẫn với những người ngán thịt mỡ.
Những ngày cận Tết Nguyên đán trước đó, nhiều người dân ở miệt vùng quê miền Tây như huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) thường tát đìa, vuông để bắt tôm, cá ăn Tết trước khi cắt lúa vụ lúa Đông Xuân.
Nhà nào có tát cá thì hầu như đều giữ lại một số ít cá sống (có thể chứa bằng thùng, mùng lưới...) đặc biệt là cá lóc đồng để dành ăn những ngày Tết. Nhiều người thường có tâm lý ngán thịt mỡ nên chuyển sang món cá như cá kho, nướng, nấu canh...
Một trong những món được người dân khoái khẩu là cá lóc nướng rơm, dân nhậu ở miền Tây hay gọi là cá lóc nướng trui hoặc món "anh hùng trong khói lửa".
Sau khi bắt lên, cá lóc vẫn để nguyên con, không cần phải mổ bụng, chặt vây, hay đánh bỏ vảy mà để nguyên rồi xiên vào một cái que (có thể chiếc đũa hoặc thanh tre...). Sau đó, cắm que xiên cá xuống đất rồi lấy rơm phủ kín lên cá lóc.
Sau khi phủ rơm toàn bộ cá lóc, người dân bắt đầu châm lửa đốt rơm. Thời gian đốt rơm liên tục trong khoảng 15-20 phút (tùy cá to hay nhỏ và lửa lớn hay nhỏ) thì cá lóc chín.
Lúc này, chỉ cần bóc lớp vảy bị cháy đen bên ngoài bỏ đi là có thể thưởng thức món "anh hùng trong khói lửa" được ngay. Để món ăn nhiều vị và tránh bị ngán, người dân thường ăn kèm cá với các loại rau sống chấm với nước mắm hoặc muối ớt, muối tiêu.
Anh Nguyễn Thanh Mong (ngụ huyện Hồng Dân) cho biết, ngày Tết nhà anh thường có món cá lóc nướng. Theo anh Mong, nếu nhà nào có rơm nướng cá thì đặc trưng hơn, còn không có thể nướng bếp than. "Món này để dành những khi ăn thịt mỡ bị ngán thì ngon bá cháy luôn. Món cá lóc nướng có thể dùng ăn cơm hoặc nhậu lai rai với bạn bè, người thân ngày Tết", anh Mong chia sẻ.