Ngôi làng nhỏ thường xuyên ngập trong biển cát

(Dân trí) - Cuộc sống ở Shoyna, ngôi làng nhỏ bé thuộc miền bắc nước Nga, không bao giờ dễ dàng. Người dân tại đây thậm chí không dám đóng cửa nhà vào ban đêm bởi họ sợ có thể bị chôn sống trong những cơn bão cát vùi lấp nhà tới tận mái.

Shoyna được xem là một trong những ngôi làng kỳ lạ nhất nước Nga khi mỗi lúc đêm xuống, nơi này sẽ bị vùi lấp trong cát. Đây là làng nhỏ nằm trên bán đảo Kanin thuộc miền bắc nước Nga. Nằm bên cạnh của vòng tròn bắc cực nên người dân địa phương không chỉ phải chịu những đợt lạnh xuyên thấu, còn phải "đối chọi" với dải đất toàn cát trải dài hàng chục cây số nằm dọc theo bờ của Biển Trắng.

Ngôi làng nhìn từ trên cao
Ngôi làng nhìn từ trên cao
Những căn nhà bị chôn trong cát
Những căn nhà bị chôn trong cát

Những đụn cát liên tục di chuyển lên và xuống bờ biển do tác động của gió tây. Chỉ qua một đêm, những ngôi nhà có thể bị chôn vùi dưới cát tới tận mái nhà. Do vậy, người dân thậm chí không đóng cửa nhà vào ban đêm bởi buổi sáng họ có thể mắc kẹt ở bên trong.

Ngôi làng nhỏ thường xuyên ngập trong biển cát - 3

Làng chài Shoyna được hình thành vào khoảng những năm 1930. Khi ấy, với nguồn hải sản dồi dào, những người ngư dân kéo về khu vực bờ biển của Biển Trắng để sinh sống. Chỉ trong vòng 2 thập kỷ, nơi này đã phát triển thành cảng cá nhỏ nhộn nhịp với dân số lên tới 1500 người và đội ngũ 70 thuyền đánh cá.

Xác tàu đánh cá còn sót lại dọc bờ biển
Xác tàu đánh cá còn sót lại dọc bờ biển
Đây là nơi vui chơi của lũ trẻ trong làng
Đây là nơi vui chơi của lũ trẻ trong làng

Tuy nhiên, không lâu sau đó, do đánh bắt hải sản quá mức khiến nguồn tài nguyên ở đây giảm sút. Hàng chục tàu đánh cá nằm dọc trên bờ biển và nhiều gia đình cũng chuyển đi nơi khác. Đến nay, dân số ở Shoyna chỉ còn lại 375 người. Trong số đó, phần lớn là những người sống nhờ tiền trợ cấp thất nghiệp hay lương hưu. Một số khác sống nhờ nghề săn ngỗng, hay kiếm thêm nhờ việc đào bới cát.

Đùa nghịch với cát
Đùa nghịch với cát

Shoyna ngày nay nằm giữa sa mạc. Nhưng theo ghi chép lịch sử để lại cho thấy, khi những người ngư dân đầu tiên ở đây định cư vào năm 1930, nơi này còn là vùng đất nguyên sinh được bao phủ bởi cỏ dại và cây cối. Không ai biết rõ cát xuất hiện ở đây từ khi nào. Nhưng các chuyên gia tin rằng, do sự khai thác bừa bãi dẫn tới thiệt hại cho thảm thực vật dưới đáy biển, giải phóng lượng cát khổng lồ, hoặc do hệ lụy của nạn chặt phá rừng cách đây vài thập kỷ.

Người dân lái xe dọc bờ biển
Người dân lái xe dọc bờ biển

Người dân địa phương đã quen với cảnh những cồn cát di chuyển liên tục. Họ thức dậy khi cát xâm chiếm tới căn nhà. Shoyna chỉ có một chiếc xe ủi đất duy nhất để "đào" các căn nhà ra khỏi lớp cát. Tuy nhiên, lái xe Sasha cho biết, ông không thể giúp đỡ tất cả mọi người. Người ta thường mất tới 10 tiếng để "cứu" một căn nhà thoát khỏi lớp cát dày.

Một căn nhà bị chôn dưới cát
Một căn nhà bị chôn dưới cát

Chi phí cho một giờ làm việc vào khoảng 70 USD, trong khi đó, chỉ ít người có khả năng chi trả số tiền này. Chính phủ Nga cũng trợ cấp thêm nhưng con số này vẫn được coi là thấp hơn mức cần thiết. "Thêm nữa, tôi không đủ thì giờ trong ngày để giúp đỡ tất cả mọi người. Tôi đang đào một căn nhà này, thì những người khác đang giận tôi", lái xe Sasha cho hay.

Shoyna như bị cô lập khỏi thế giới. Không có đường bộ hay đường sắt kết nối nơi này. Người ta chỉ có thể đến làng bằng đường biển hay đường hàng không. Mặc dù vẫn "chiến đấu" với sự xâm chiếm hàng ngày của cát, người dân địa phương vẫn rất tự hào với lòng hiếu khách của mình. Họ mời khách tới nhà dùng bữa với món hải sản truyền thống.

Shoyna được coi như thảm họa môi trường. Các nhà khoa học tới đây để nghiên cứu tìm hiểu hiện tượng cồn cát di cư và tìm cách ngăn chặn chúng.

Việt Hà

Theo Od