Ngôi chùa hơn 1.800 năm tuổi có thể "hô mưa gọi gió", đón "mưa rửa đền"
(Dân trí) - Cứ vào ngày 19/6 hàng năm, ngôi chùa Phong Huyệt Tự ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, lại đổ trận mưa lớn. Người dân vẫn gọi đây là "mưa rửa đền".
Trên dãy núi Tung Sơn thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, một ngôi chùa cổ với tuổi đời hơn 1.800 năm có tên gọi Phong Huyệt Tự, nổi tiếng không kém gì chùa Thiếu Lâm.
Hơn cả một điểm đến tâm linh, người dân địa phương vẫn coi nơi này là "thần tự" (chùa thiêng). Cứ vào chiều 19/6 hàng năm, tại Phong Huyệt Tự luôn xảy ra một trận mưa lớn như rút nước, rửa sạch toàn bộ khuôn viên.
Trước khi mưa xuống, động Phong Huyệt ở ngọn núi phía sau ngôi chùa phát ra âm thanh lớn. Đó là tiếng gió rít như gào thét. Cứ mỗi năm một lần, hiện tượng này lại xảy ra. Kể từ đó, cái tên "ngôi chùa có thể hô mưa gọi gió" đã xuất hiện.
Các chuyên gia Trung Quốc đã tới đây tìm hiểu và lý giải mọi hiện tượng tự nhiên này dưới góc độ khoa học.
Nếu xét từ góc độ địa lý, chùa Phong Huyệt Tự nằm giữa vùng rừng núi tươi tốt với cây cối rậm rạp. Ở vùng rừng núi xung quanh chùa có nhiều đá Maifan. Đây là loại đá khoáng tự nhiên với đặc tính giữ nước tốt. Từ đó tạo ra môi trường lý tưởng, dễ hình thành mưa.
Đúng vào ngày 19/6 dương lịch hàng năm, chùa Phong Huyệt Tự luôn tổ chức lễ hội lớn, thu hút hàng chục nghìn người tới làm lễ. Tại những nơi tập trung đông người tạo ra nhiệt lượng cao, khiến không khí nóng ẩm bốc hơi. Khi lượng không khí nóng ẩm hội tụ với khí lạnh trên cao sẽ hình thành mưa.
Ngoài ra, ngôi chùa nằm trên địa hình giống như chiếc phễu thu thanh lớn. Mọi tiếng ồn của khách thập phương được thu lại, khuếch đại sóng âm, phá vỡ cân bằng trên cao, khiến mưa rơi xuống.
Bên cạnh đó, chênh lệch áp suất khiến không khí lọt vào động Phong Huyệt, hình thành các dòng đối lưu. Hang có đặc điểm một đầu to và một phía nhỏ lại, khiến không khí di chuyển đi từ chỗ rộng tới chỗ hẹp, phát ra âm thanh lớn.
Các chuyên gia cho rằng, từ những yếu tố trên khiến ngôi chùa biết "hô mưa gọi gió" hàng năm.