Khách Trung Quốc tiêu dè sẻn, chấp nhận ngủ nhà vệ sinh để tiết kiệm tiền
(Dân trí) - Một blogger du lịch người Trung Quốc tiết lộ, để tiết kiệm chi phí tối đa, anh chấp nhận nghỉ qua đêm trong nhà vệ sinh công cộng.
Khi mới tốt nghiệp đại học, Cai Zhishan có chuyến du lịch dịp tháng 5 vừa qua. Cô ước mình đủ tiền để thuê ô tô tự lái cho chuyến đi dài khoảng 4.000 km.
Nhưng cuối cùng, cô gái trẻ quyết định chọn kiểu "du lịch hành xác" - một xu hướng mới nổi tại Trung Quốc thời gian gần đây. Reuters nhận định, xu hướng này đang phủ bóng đen lên sự phục hồi sau đại dịch của ngành du lịch nội địa.
Từ thành phố Hàng Châu nơi Cai theo học, cô gái 22 tuổi bắt xe bus và tàu chậm vòng quanh tỉnh Sơn Tây rồi đi vòng lại.
Nhưng muốn tới các ngôi đền, chùa, hang động nổi tiếng, Cai phải đi bộ khoảng 30.000 bước mỗi ngày. Về chuyện ăn ở, cô thường chọn nhà trọ giá rẻ, quán ăn bình dân.
Trong 9 ngày đi chơi, cô gái tổng kết, nhờ "ăn tiêu dè sẻn" nên mất khoảng 362 USD (hơn 8 triệu đồng).
"Tôi không có nhiều tiền nhưng vẫn muốn đi du lịch. Vậy nên không còn cách nào khác phải kiểm soát từng đồng. Với số tiền ít ỏi, đi kiểu này rất mệt", Cai thừa nhận.
Trên nhiều trang mạng xã hội, từ khóa "du lịch tiết kiệm" hay "du lịch hành xác" trở nên thịnh hành. Xu hướng này tập trung vào nhóm khách không có nhiều điều kiện chi tiêu nhưng vẫn muốn đi chơi. Họ lập kế hoạch đến được nhiều nơi nhất có thể, nhưng cắt giảm các chi phí không cần thiết, thậm chí nhu cầu cơ bản như ăn ngủ cũng bị hạn chế tối đa.
Để tiết kiệm, nhóm khách này thậm chí chọn di chuyển trong đêm để ngủ luôn trên tàu xe, đỡ khoản tiền thuê nhà nghỉ, khách sạn.
Câu chuyện của Cai trở thành chủ đề được cộng đồng mạng Trung Quốc bình luận sôi nổi. Nhiều người trong số đó ngạc nhiên với kiểu tiết kiệm này. Nhưng Cai không phải là duy nhất.
Theo số liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, kỳ nghỉ 1/5 vừa qua chứng kiến sự bùng nổ của ngành du lịch nội địa. Nhiều du khách Trung Quốc vội vã đi chơi để "bù đắp" cho 3 năm "ngồi nhà" vì dịch bệnh.
Trong kỳ nghỉ này, ước tính 274 triệu chuyến đi được thực hiện, tăng 19% so với năm 2019 thời điểm trước khi Covid-19 xuất hiện.
Dù số lượt chuyến đi tăng vọt, nhưng tổng chi tiêu là 148 tỷ nhân dân tệ (khoảng 21 tỷ USD). Con số này tương đương với năm 2019. Điều này có nghĩa, trung bình khách Trung Quốc chi tiêu 540 nhân dân tệ vào năm 2023 so với 603 nhân dân tệ vào năm 2019.
Một dấu hiệu khác cho thấy "tình trạng túi tiền eo hẹp". Các chuyến du lịch nước ngoài của khách Trung Quốc trong năm 2023 đến nay chỉ bằng một phần nhỏ so với mức trước đại dịch.
Theo ông Alicia Garcia-Herrero, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis, nhìn chung "du khách Trung Quốc chưa sẵn sàng chi tiêu hào phóng như trước", ngay cả khi chính phủ nước này cố gắng "khuyến khích tiêu dùng và giảm tiết kiệm quá mức".
"Người dân cần việc làm và mức lương tốt hơn thì chi tiêu mới thoải mái như trước", vị chuyên gia này phân tích.
Tiêu dùng nội địa là điều mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc muốn đóng vai trò lớn hơn trong việc cung cấp "năng lượng" cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Dù nước này đã dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19, nhưng đến nay, phục hồi vẫn đang "ở mức thấp nhất".
Các nhà phân tích cho biết, thị trường bất động sản Trung Quốc hiện gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao kỷ lục, những lo ngại lớn về sự ổn định thị trường lao động là những yếu tố khiến người tiêu dùng chi tiêu thận trọng hơn.
Chia sẻ với Reuters, một blogger du lịch nổi tiếng có tên Icecube, tiết lộ, anh đã ngủ qua đêm trong một nhà vệ sinh công cộng đề tiết kiệm tiền trong chuyến du lịch tới núi Hoàng Sơn ở phía nam tỉnh An Huy.
"Trải nghiệm này cũng đáng giá. Dù phải chịu thiệt thòi chút, nhưng bù lại tôi vẫn có tiền để đi ngắm nhìn thăm thú cảnh đẹp. Trong tương lai, tôi sẽ cân nhắc trích thêm chút ngân sách để cải thiện điều kiện ăn ở", blogger cho biết.
Trong khi đó, để chi tiêu dè sẻn, du khách Xing Zicong, 23 tuổi, đến từ Bắc Kinh, thừa nhận "mệt mỏi" do phải đi bộ quá nhiều.
"Chân tôi sưng lên sau khi đi bộ hơn 10.000 bước khi tới thăm con đường tơ lụa lịch sử ở Tây An", Xing nói.