Nghệ nhân cả nước sẽ trình diễn lụa tại festival văn hóa tơ lụa ở Hội An
(Dân trí) - Trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam 2017, từ ngày 11-14/6 tại làng lụa Hội An sẽ tổ chức festival văn hóa tơ lụa Việt Nam – Châu 2017 ở Hội An. Theo Ban tổ chức cho biết, tại festival làng lụa lần này, các làng lụa trong cả nước sẽ trình diễn cho khách xem mô hình làng nghề gắn với du lịch.
Như làng lụa Nhữ Xá sẽ trình diễn kỹ thuật bí truyền nhuộm lụa từ thảo mộc thiên nhiên và những giá trị đã được các nhà khoa học thừa nhận. Làng đũi Nam Cao từ vứt khung dệt ra chuồng trâu được những người trẻ đầu tư, mở thị trường nay đã đưa sản phẩm ra thị trường Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Đồng bào dân tộc Thái sinh sống ở tỉnh Nghệ An vẫn phát triển nghề truyền thống ươm tơ và dệt lụa tơ tằm ở quê hương. Những hình ảnh này là của các nghệ nhân thuộc làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến đang làm nghề cổ truyền nhiều trăm năm, với những hoa văn truyền thống đã thu hút sự chú ý của nhiều tổ chức phi chính phủ giúp đỡ để xây dựng thành làng nghề phục vụ du lịch tại Nghệ An.
Cuộc sống giản dị, những cánh đồng rực rỡ màu lụa nhuộm từ thảo mộc thiên nhiên đem lại sự hấp dẫn riêng. Các nghệ nhân Chăm ở Ninh Thuận sẽ trình diễn dệt thổ cẩm với các hoa văn của trang phục cưới Chăm.
Đoàn nghệ nhân Cơtu Quảng Nam với 12 người sẽ giới thiệu văn hóa Cơtu thông qua nghệ thuật thổ cẩm và những khung dệt cổ truyền được gìn giữ đưa từ Tây Giang đến Hội An.
Lụa làng Mã Châu Quảng Nam chiếm một phần quan trọng tại festival với chương trình của Hội Quán các bà mẹ TPHCM nhằm đưa lụa Mã Châu trở lại thị trường thông qua hình ảnh chiếc áo dài.
Các nghệ nhân dệt thổ cẩm Văn Giáo (An Giang) thường sử dụng kỹ thuật dệt 3 lớp sợi tơ với 3 màu khác nhau để làm ra sản phẩm khăn choàng, xà rông hay các bức họa, khăn trải bàn phỏng theo các sự tích truyện cổ với sự thay đổi và phối màu chỉ một cách công phu...
Tùy độ khó của các sản phẩm mà thời gian dệt sẽ khác nhau. Một trong những bí quyết tạo màu sắc đẹp chất lượng cao là các nghệ nhân làng nghề đã dùng chất liệu tự nhiên để chế thuốc nhuộm, nhờ đó làm cho lụa óng ả mượt mà hơn. Đây là lần đầu tiên các nghệ nhân Khmer tham dự festival.
Thổ cẩm Hà Giang sẽ tham dự festival tơ lụa với một sắc diện mới tuyệt đẹp của thổ cẩm sơn cước được đưa về làng lụa Hội An để trình diễn những sắc màu kỳ lạ cho những người chuyên sưu tập thổ cẩm phải kinh ngạc. Thổ cẩm làng Lũng Tám đã làm ngẩn ngơ du khách bởi má hồng sơn nữ bên khung dệt. Từ những bộ áo váy truyền thống, người làng Lũng Tám đã làm nên các sản phẩm hiện đại cho người phố như áo gối, ví, khăn rất đẹp...
Ngoài ra các thương hiệu lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Nha Xá, Tân Châu, các công ty lụa lớn nhất trong nước cũng sẽ tham gia những gian hàng lớn để giới thiệu sản phẩm.
Bên cạnh đó là sự xuất hiện của đội ngũ doanh nhân trẻ bỏ tiền vào đầu tư vực dậy một thương hiệu đũi, giờ nổi tiếng và thành hàng thời thượng trong và ngoài nước.
Đặc biệt, 16 nhà thiết kế trẻ trên dưới 30 tuổi đồng loạt quay về sáng tạo trên lụa Việt, đỉnh điểm là các bộ sưu tập trong đêm fashion show của nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam Minh Hạnh tổ chức, các nhà thiết kế sẽ giới thiệu về bộ sưu tập mới nhất của họ lấy cảm hứng sáng tạo trên nền lụa của các làng.
Như nhà thiết kế Des Khang thực hiện hai bộ sưu tập mới với lụa nhuộn từ thiên nhiên của làng Nhữ Xá. Nhà thiết kế, hoa hậu Ngọc Hân, Hảo Nguyễn, Xuân Hảo, Duy Nguyễn, Đỗ Trịnh Hoài Nam ra mắt các bộ sưu tập của họ với chất liệu đũi làng Nam Cao Thái Bình. Nhà thiết kế Khánh Syana làm bộ sưu tập từ lụa Hà Đông. Hà Bảo và Nhật Minh sử dụng lụa tơ tằm Bảo Lộc cho bộ sưu tập áo dài Việt.
Ngoài ra, những công ty tơ lụa lớn nhất Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Lào, Tây Ban Nha, Nhật Bản cũng sẽ đến giao lưu giới thiệu những sản phẩm cao cấp của thế giới với thị trường Việt tại festival làng lụa lần này.
Công Bính