Hội An:
Nghề làm gốm Thanh Hà đón bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
(Dân trí) - Nghề làm gốm truyền thống 500 năm của làng Thanh Hà ở TP Hội An được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngày 7/8, tại làng gốm Thanh Hà (TP Hội An, Quảng Nam), diễn ra lễ giỗ tổ nghề gốm và đón bằng công nhận nghề gốm của làng Thanh Hà là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ngay từ sáng sớm, lễ rước kiệu tổ nghề gốm xuất phát từ khu miếu Lùm Bà Dàng (khối Thanh Chiếm) về khu miếu tổ nghề Nam Diêu diễn ra khá trang trọng, thu hút sự tham dự của đông đảo người dân và du khách.
Sau phần nghi lễ đã diễn ra các hoạt động như đua thuyền ngang, trưng bày sản phẩm gốm, thi chuốt gốm, thi nặn con thổi, thi nấu cơm niêu, kéo co...
Với giá trị tiêu biểu, nghề gốm Thanh Hà được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2965/QĐ-BVHTTDL ngày 27/8/2019.
Lễ đón bằng công nhận "Nghề làm gốm Thanh Hà" là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia diễn ra trong không khí rộn ràng, vui mừng của người dân làng gốm sau 2 năm trì hoãn do dịch Covid-19.
Theo nghệ nhân Nguyễn Lành (89 tuổi), giỗ tổ nghề gốm là thông lệ làng đã gìn giữ gần 500 năm nay. Một năm làng có 2 lễ lớn vào Mùng 10 tháng Giêng và Mùng 10 tháng Bảy âm lịch. Trong đó, lễ Mùng 10 tháng Giêng cầu cho quốc thái dân an, dân làng yên lành, làm ăn phát đạt; còn Mùng 10 tháng Bảy cũng là mùa báo hiếu, vừa tạ ơn tổ đã truyền nghề, phù hộ dân làng bình an vô sự.
"Người dân làng gốm Thanh Hà đón nhận tin vui và tự hào khi nghề làm gốm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây chính là sự tôn vinh và ghi nhận những đóng góp của cộng đồng cư dân về quá trình gìn giữ, phát triển nghề làm gốm Thanh Hà, đồng thời cũng là cơ sở để bảo tồn và phát huy tốt hơn nghề làm gốm ở Thanh Hà", nghệ nhân Nguyễn Lành chia sẻ.
Làng gốm Thanh Hà có tuổi đời trên 500 năm, khởi phát từ những người di cư vào Hội An và mang theo nghề làm gốm. Đây là một trong những làng nghề cổ nằm trong vệt các làng nghề nổi danh một thời dọc hạ nguồn sông Thu Bồn từ Điện Bàn về phố cổ Hội An.
Suốt mấy trăm năm qua, nghề gốm Thanh Hà có lúc thịnh lúc suy, nhưng tình yêu và sức sáng tạo của nghệ nhân làng gốm thì không bao giờ tắt. Đến nay làng gốm Thanh Hà vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công và gần như độc nhất, đó là tạo hình bằng tay hoặc bàn xoay đạp chân, không có khuôn, không tráng men và nung bằng lò củi truyền thống.
Làng nghề hiện có 33 hộ sản xuất với khoảng 80 lao động, trong đó có 5 nghệ nhân ưu tú và một thợ giỏi. Sản phẩm có hai dòng là gốm sành nâu (đồ xanh), được nung với độ lửa cao từ 800 đến hơn 1.000 độ C và dòng gốm đỏ (đồ đỏ), được nung với nhiệt độ thấp từ 300 độ C trở xuống.
Ngày nay, sản phẩm làng gốm chủ yếu phục vụ dân dụng và du lịch với các sản phẩm nhỏ gọn, tinh xảo. Ngoài ra, một số sản phẩm cũng được sản xuất để phục vụ xây dựng kiến trúc và các công trình khách sạn, nhà hàng…
Cao điểm, mỗi năm làng gốm này thu hút hơn nửa triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và là một trong các địa điểm du lịch được biết đến nhiều nhất tại miền Trung.
Được biết, thành phố Hội An có 4 nghề truyền thống được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: nghề mộc Kim Bồng, nghề khai thác yến Cù Lao Chàm, nghề làm gốm Thanh Hà và nghề trồng rau ở làng Trà Quế.