Ngây ngất với đặc sản Hà Giang mùa tam giác mạch
(Dân trí) - Lên Hà Giang mùa này, đừng chỉ mê mải với vẻ đẹp của hoa tam giác mạch mà bỏ quên những món đặc sản độc đáo và thơm ngon. Bánh tam giác mạch bùi bùi, cháo ấu tẩu ngọt thơm và món thắng cố đậm đà… chắc chắn sẽ làm chuyến đi của du khách thêm phần thú vị.
Bánh tam giác mạch
Từ khoảng giữa tháng 10, trên cao nguyên đá Hà Giang đã tràn ngập sắc tím hồng của những bông tam giác mạch. Hàng nghìn du khách từ khắp nơi đổ về, ai cũng muốn chiêm ngưỡng và lưu lại trọn vẹn những khoảnh khắc tuyệt diệu chỉ xuất hiện một lần trong năm. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, hạt tam giác mạch cũng được người dân bản địa tận dụng để chế biến nên món bánh đặc trưng.
Từ những hạt tam giác mạch nhỏ xíu, người ta đem xay nhỏ thành bột mịn rồi nhào cùng nước cho đến khi dẻo. Bột nhào xong cho vào khuôn, đúc thành những bánh nhỏ rồi hấp chín trên bếp lửa.
Bánh tam giác mạch mềm xốp, khi ăn cần nhấm nháp thật chậm để cảm nhận vị ngọt thanh thanh lan tỏa. Không quá mướt như bột gạo, bột tam giác mạch thoáng vị bùi, phảng phất chút hăng đặc trưng của cây rừng.
Cháo ấu tẩu
Cháo ấu tẩu ở Hà Giang được làm từ củ ấu tẩu (còn có tên gọi ô đầu, phụ tử) - một loại củ có chất độc cực mạnh thường mọc trên đá vùng đồi núi phía Bắc. Chất độc của củ ấu tẩu có thể gây tử vong. Nhưng qua cách chế biến tài tình của đồng bào dân tộc, củ ấu tẩu trở thành một món ăn mang hương vị đặc biệt và rất tốt cho sức khỏe.
Để chế biến món ăn, đầu bếp mang gạo nếp cái hoa vàng trộn với gạo tẻ thơm, nấu nhuyễn trong nước hầm xương chân giò và bột củ ấu, thêm chút thịt nạc băm nhỏ và gia vị. Cuối cùng, khi bắc ra đập trứng gà, cho thêm ớt, tiêu, hành, rau mùi, tía tô mới thành một bát cháo hoàn hảo.
Bát cháo là tổng hòa của các mùi vị: mùi thơm của nếp, vị ngọt của chân giò, vị béo ngậy của trứng, vị chua của măng cùng vị bùi hơi đắng của ấu tẩu.
Mật ong bạc hà
Mật ong bạc hà Đồng Văn có vị ngọt đậm đà khác hẳn mật ong của vùng khác. Chúng êm dịu, thơm ngon, bổ dưỡng và nhất là có mùi hương đặc biệt. Mật ong bạc hà được người H'mông sản xuất theo phương pháp truyền thống, chủ yếu lấy từ hoa bạc hà và một số loài hoa của các loại thảo mộc hoang dại.
Mật ong hoa bạc hà có màu vàng ánh xanh. Khi thưởng thức, thực khách sẽ thấy vị ngọt dịu và sánh đặc cứ quyến luyến mãi nơi đầu lưỡi. Sản lượng mật ong bạc hà mỗi năm không nhiều nên chúng không được bày bán ở chợ và cũng khá khó kiếm.
Mật ong Hà Giang rất tốt cho sức khỏe người già và trẻ nhỏ, có tác dụng chữa bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, làm cho da dẻ hồng hào. Chính vì những đặc tính này mà mật ong bạc hà có giá thành cao nhất trong các loại mật ong.
Thắng cố
Nhiều người ví, lên vùng cao nguyên cực Bắc mà chưa thưởng thức món thắng cố và uống rượu ngô thì coi như vẫn chưa thấy được nét văn hóa đặc trưng của đất cao nguyên đá Đồng Văn.
Thắng cố theo tiếng Mông nghĩa là “nồi nước” hay “canh thịt”, là món ăn truyền thống của người Mông và các dân tộc thiểu số khác ở Hà Giang. Từ nguyên liệu chính là thịt và nội tạng ngựa hoặc bò được xào lăn rồi ninh sôi liên tục nhiều tiếng, món thắng cố làm người ta dễ liên tưởng đến phá lấu của miền Nam. Tuy nhiên, thắng cố có các gia vị đi kèm đậm chất núi như thảo quả, hạt dổi, củ sả…
Vị béo ngậy cộng với vị ngọt bùi của thắng cố xua tan đi cái lạnh vùng cao, tạo cho món ăn một dư vị không thể nào quên.
Thắng dền
Thắng dền là món ăn chơi mùa đông, nên phải khi có gió lạnh tràn về thì người ta mới bắt đầu làm bánh. Thắng dền thoạt nhìn giống bánh trôi tàu ở Hà Nội nhưng lại có cách chế biến và hương vị khác biệt.
Mỗi viên thắng dền được nặn hình tròn, có nhân đỗ hoặc không nhân, sau đó cho vào nồi nước dùng luộc. Đến khi chín, bánh nổi lên được vớt ngay ra bát, chan nước dùng xâm xấp mặt bánh rồi rắc thêm chút vừng và lạc rang thơm.
Thắng dền thơm ngon hay không chính là ở bát nước dùng, phải hài hòa giữa vị ngọt của đường, béo ngậy của dừa và vị cay se se của gừng tươi. Khách ăn thường bỏ một hai viên thắng dền vào miệng, nhẩn nha cho từng hương vị tan ra nơi đầu lưỡi, ngon đến khó lòng cưỡng lại.
Xôi ngũ sắc
Để tạo nên 5 màu sắc của xôi, người dân tộc đã lựa chọn các loại cây quả đặc trưng của vùng núi để nhuộm màu cho chúng. 5 màu trắng, đỏ, tím, xanh, vàng còn tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ với ý nghĩa tôn thờ đất đai, cầu mong mùa màng tốt tươi, thuận lợi cho người dân làm nương trồng lúa và lương thực.
Món xôi ngũ sắc không chỉ đẹp mắt, ngon miệng mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng, là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày lễ tết của người dân tộc ở Hà Giang.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp