Ngành du lịch bàn cách kích cầu lần 2 hướng tới khách nội địa

Phong Lan

(Dân trí) - Liên kết vùng, đa dạng hóa dịch vụ, tạo ra nhiều sản phẩm mới phù hợp cho du khách trong nước là những đề xuất nhằm khôi phục ngành du lịch Việt Nam trong đợt kích cầu lần 2 sau dịch Covid-19.

Những đề xuất trên đã được thống nhất tại Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Bình năm 2020 được tổ chức ngày 11/10/2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 đã phần nào được kiểm soát trong nước.

Hôị nghị được UBND và Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình tổ chức đã thu hút khoảng 200 đại biểu trong đó có đại diện Tổng cục Du Lịch Việt Nam cùng với các hiệp hội du lịch, sở du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch của 13 tỉnh thành phố phía bắc và hơn 90 doanh nghiệp lữ hành.

Ngành du lịch bàn cách kích cầu lần 2 hướng tới khách nội địa - 1

Ông Bùi Thành Đông, giám đốc sở Du lịch tỉnh Ninh Bình phát biểu

Trong tham luận mở đầu tại hội nghị, ông Bùi Thành Đông, giám đốc sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết tỉnh đã được chọn là nơi tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2020 nhưng do dịch Covid-19, sự kiện này đã phải hoãn đến năm 2021.

Ông Đông thừa nhận năm nay là một năm khó khăn cho du lịch cả nước nói chung và Ninh Bình nói riêng.

“Năm 2019, du lịch Ninh Bình đón trên 7,56 triệu lượt khách trong đó có gần 1 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt trên 3.600 tỉ đồng. Nhưng 9 tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid, tỉnh chỉ đón được trên 2 triệu lượt khách, bằng 31,2% so với cùng kỳ năm 2019," ông Đông cho biết.

Trong tình hình đó, Ninh Bình cũng đặt mục tiêu khá khiêm tốn cho 3 tháng cuối năm là đón 500.000 lượt khách, và mục tiêu của cả năm nay là 2,5 triệu lượt khách với doanh thu 2.000 tỷ đồng.

Ngành du lịch bàn cách kích cầu lần 2 hướng tới khách nội địa - 2

Du khách trải nghiệm tour Bái Đính về đêm

Bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Ninh Bình nhấn mạnh hiện tại ngành du lịch tỉnh vẫn chủ trương tiếp tục thực hiện kích cầu giảm giá để thu hút khách nội địa trong thời điểm chưa có khách quốc tế. Bên cạnh đó sẽ chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch mới phù hợp với thị trường này.

“Sắp tới chúng tôi sẽ làm mới tour du lịch Bái Đính về đêm phục vụ cho nhu cầu du lịch tâm linh của du khách trong nước. Sản phẩm này đã được một số đơn vị lữ hành khảo sát và phản hồi rất tốt và tôi hi vọng tour này sẽ thu hút du khách trong nước trong những tháng cuối năm này.

Đến dự hội nghị, đại diện cho các đơn vị lữ hành, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho rằng cần cân nhắc kỹ việc giảm giá tour để không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Chia sẻ một số biện pháp khôi phục du lịch cho các địa phương nói chung và Ninh Bình nói riêng trong thời điểm hiện tại, ông Hùng đề xuất không giảm giá hay tăng giá tour cuối tuần vì đối tượng khách đi du lịch cuối tuần thường sẽ chấp nhận mức giá tiêu chuẩn.

“Chúng ta nên xây dựng các tour giảm giá cho các ngày từ thứ 2- thứ 5 để thu hút đối tượng khách có thời gian nhưng ngân sách ít, chấp nhận lỗ vào các ngày giữa tuần, lãi vào cuối tuần,” ông Hùng nói.

"Ngoài ra chúng ta cần xây dựng thêm các sản phẩm mới, phù hợp để thu hút khách trong nước."

Tham dự hội nghị, đại diện đến từ sở du lịch các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội cũng bày tỏ đồng tình với những đề xuất của Ninh Bình trong việc phát triển du lịch trong tình hình hiện tại.

Ông Trần Trung Hiếu, phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu: “Mặc dù hiện tại không phải là mùa du lịch nội địa, chúng ta vẫn cần liên kết để triển khai việc kích cầu du lịch lần 2 nhằm vực dậy ngành du lịch. Mỗi địa phương chúng ta đều có các sản phẩm du lịch đặc thù, và chúng ta cần liên kết để tạo thành chuỗi các sản phẩm không trùng lặp giới thiệu cho du khách.”

Kết thúc hội nghị, phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du Lịch (TCDL) Hà Văn Siêu nhận định Covid-19 là một đại dịch chưa có trong tiền lệ, nhưng khi nước ta kiểm soát được dịch sau đợt bùng phát đầu tiên, ngành du lịch đã thành công trong việc kích cầu du lịch trong giai đoạn 1.

"Hiện tại chúng ta không thể tăng lượng khách giống như giai đoạn 1 vì đang là mùa thấp điểm.

Kỳ nghỉ hè đã qua, thu nhập của người lao động trong nhiều lĩnh vực đã bị tác động, doanh nghiệp du lịch cũng không còn nhiều nguồn lực để giảm giá. Tuy nhiên tôi nghĩ chúng ta vẫn có thể kích cầu bằng cách cố gắng tìm ra các sản phẩm mới tạo được cảm xúc mới mẻ, làm cho khách hứng thú, vui vẻ, yên tâm, có được niềm hạnh phúc khi đi du lịch.

Với Ninh Bình, tìm cách giữ chân du khách ở lại thêm một đêm đã là một thành công. Ninh Bình phải làm mới các sản phẩm du lịch nhằm níu chân khách ở lại thêm. Ví dụ như tour Bái Đính về đêm mới được làm mới lại là một sản phẩm tốt, rất tiềm năng trong việc thu hút du khách," ông nói.

Phó Tổng cục trưởng TCDL cũng bày tỏ niềm tin vào các doanh nghiệp du lịch trẻ, đặc biệt các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ đi tiên phong trong việc góp phần sáng tạo ra các sản phẩm du lịch mới, phù hợp với xu hướng và thị hiếu của du khách.