Nếp sống đặc biệt ngày Tết của gia đình danh giá ở Hà Nội xưa
(Dân trí) - Ngày mùng 3 Tết, gia đình bà Yến thường có món bún thang đãi khách. Món ăn vừa giúp mọi người giải tỏa sự ngán ngấm của mỡ hành, vừa thể hiện sự tinh tế trong ẩm thực của người Hà Nội xưa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1941 - Hoàn Kiếm, Hà Nội) là con gái của nhà báo Nguyễn Tường Phượng (1899 - 1974) chủ bút tạp chí Tri Tân.
Trong ký ức của bà, Tết ở Hà Nội giai đoạn thập niên 1950 của thế kỷ trước luôn là những kỷ niệm đẹp. Thời điểm đó, bà mới ở độ tuổi lên 10.
Hoài niệm Tết xưa
Với gia đình bà Yến, Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp. Sau khi tiễn ông Công ông Táo về chầu trời, mọi người chuẩn bị dọn dẹp và sắm sửa Tết.
Cha và anh trai phụ trách lau dọn ban thờ. "Quan niệm Á Đông, con trai luôn là người phụ trách nhang khói. Cha tôi là người rất coi trọng chuyện này nên ban thờ nhà tôi chỉ do cha và anh làm", bà Yến bắt đầu kể.
Trà biếu là loại hảo hạng, đựng trong lọ thủy tinh, bọc giấy đỏ của tiệm Chính Thái - tiệm trà nổi tiếng nhất Hàng Ngang.
Thời ấy, gia đình bà sống trong căn biệt thự ở 21 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nhiều người nghĩ, gia đình danh giá như vậy sẽ đón Tết rất to. Tuy vậy, bà chia sẻ hai cụ thân sinh của bà có lối sống giản dị.
"Cha mẹ tôi thường nói, Tết không phải là dịp để khoe khoang, thể hiện sự giàu có. Tết là dịp để sum họp, gắn kết và là khởi đầu cho một năm mới nhiều may mắn", bà Yến nhớ lại.
Việc trang hoàng nhà cửa đón Tết, đặc biệt là phòng khách - nơi tiếp đón khách được vợ chồng nhà báo Nguyễn Tường Phượng chú trọng hơn cả.
"Phòng khách được coi như "linh hồn" của một ngôi nhà, cho thấy gu thẩm mỹ và gia cảnh của chủ nhà, nên nơi này rất được chú trọng", bà nói.
Mẹ của bà Yến thường mua một chậu cúc vàng đặt trên đôn sứ, cành đào nhỏ xinh và chậu hoa thủy tiên bày trên bàn tiếp khách.
"Cây to, nhỏ không quan trọng, cốt làm sao chúng có dáng thế đẹp. Năm nào, mẹ tôi chỉ mua đúng ba loại hoa đó, nhìn đơn giản mà vẫn phảng phất không khí Tết", nhà nghiên cứu Hải Yến xúc động nói.
Sáng mùng Một, cha mẹ bà Yến dậy từ sớm, sắp xếp mâm cơm cúng. Mùi nhang thơm quyện với hương hoa, thêm cái se se lạnh của đất trời khiến thời gian như lắng đọng.
Hình ảnh cha mẹ kính cẩn đứng trước ban thờ khấn vái vào ngày đầu tiên của năm mới là khoảnh khắc ấm áp theo bà suốt nhiều năm tháng.
Cha mẹ bà Yến nhờ người họ hàng sống tại 46 Thợ Nhuộm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có con cái thành đạt, giỏi giang đến xông đất lấy may.
Về trang phục mặc Tết, phụ nữ Hà Nội những năm giữa thế kỷ 20 thường mặc áo dài, đàn ông mặc vest, quần âu. Trang phục thể hiện nếp sống thanh lịch của người dân thị thành Hà Nội.
Vào ngày Tết, người ta dễ bắt gặp những thiếu nữ trẻ trung, tóc thả xuống như dòng suối óng ả. Họ mặc áo dài màu hoàng yến, trắng... Phụ nữ trên 30 tuổi mặc áo dài nhung màu đỏ, be vàng phối với quần lụa đen.
Trong ký ức của bà, vào dịp Tết, thời tiết Hà Nội thường dịu mát. Mọi người đi bộ du xuân, không có xe máy, xe ô tô như bây giờ.
Trên đường chỉ loáng thoáng vài chiếc xích lô, xe kéo… Cảm giác rất thanh bình và nhẹ nhàng, ai gặp nhau ngoài dường dù không quen biết cũng lịch sự chào nhau, chúc năm mới tốt lành.
'Tôi diện áo dài, đi giày nhung đỏ, đeo kiềng bạc lấp lánh, mái tóc kẹp hai bên, cùng mẹ lên phố cổ chúc Tết. Vì họ hàng nhà tôi ở Lãn Ông, Hàng Đào, Hàng Ngang rất đông", bà bồi hồi kể.
Món ăn đặc biệt
Món ăn là nét đặc trưng, tạo nên hương sắc Tết, với gia đình bà Yến cũng vậy. Sau khi khoản quà cáp, biếu xén xong xuôi, mẹ bà Yến bắt đầu đi mua tôm he, mực, bào ngư, gà, cá...phục vụ cỗ cho gia đình.
Cụ là mẫu phụ nữ truyền thống, hội tụ đủ công, dung, ngôn, hạnh. Nhà có đầu bếp nhưng các bữa cỗ chính, bao giờ cụ cũng phụ trách nấu nướng.
Bà Yến là con gái duy nhất nên được mẹ dạy nữ công gia chánh nghiêm khắc. Mỗi lần mẹ vào bếp, bà đứng bên cạnh học và hỗ trợ.
Các món nấu như khoai tây, su hào, củ cải thái đều nhau, không to quá, không bé quá. "Mẹ tôi dạy, nếu cắt không đều, khi nấu miếng bé sẽ bị nhừ, miếng to lại sống. Như vậy, món ăn sẽ không ngon', bà Yến nói.
Riêng món mực, gia đình bà Yến chỉ ăn vào ngày 30 Tết và trước thời khắc Giao Thừa. Một khoanh giò được chia thành 8 miếng hoặc 6 miếng đều tăm tắp. Tôm he bóc nõn, măng thẻ cắt vuông như bao diêm.
"Mẹ tôi cẩn thận bày mỗi bát một miếng măng, nhỏ nhỏ xinh xinh", bà Yến cho hay.
Mỗi khi có khách ăn cơm, đàn ông sẽ ngồi ở bàn, còn phụ nữ ngồi ở sập gỗ, trên kê chiếc mâm đồng có chân khắc họa tiết "Tùng, Cúc, Trúc, Mai".
"Chúng tôi được cha mẹ dạy, ngồi ăn phải mời người lớn, ăn nhẹ nhàng lấy vui chứ không lấy no. Đặc biệt, không được phát ra tiếng húp sột soạt", nhà nghiên cứu 79 tuổi chia sẻ.
Món ăn đơn giản nhưng đặc biệt nhất có lẽ là bún thang. Bát bún thang nhỉnh hơn bát ăn cơm và có nắp đậy. Món hay được ăn vào ngày mùng 3 Tết, khi mọi người đã ngấy thịt mỡ, bánh chưng, nem gián…
Trong bát bún, màu sắc được chú trọng, trứng tráng mỏng, giò, thịt gà thái chỉ, rau răm, tôm he bóc vỏ, đảo qua rồi dùng kim băng khía cho bông lên. Năm màu sắc hiện lên trên bát bún một cách hài hòa, màu xanh của rau răm được đặt ở chính giữa tạo điểm nhấn.
Ngoài bát bún, gia chủ chuẩn bị thêm đĩa củ cải dầm ăn kèm. Cuối bữa cỗ ngày mùng 3, mẹ bà Yến gọi người giúp việc mang bát bún đã chuẩn bị sẵn, chan nước dùng nóng hổi lên và bưng ra mời khách.
Món bún thang ngày thường sẽ có chút mắm tôm nhưng ngày Tết, loại gia vị này sẽ được bỏ đi. Vì theo quan niệm dân gian, đầu năm ăn mắm tôm sẽ gặp điều đen đủi.
"Cha tôi giải thích, chữ 'Thang" trong Đông y có nghĩa là các thang thuốc. Khi bốc thuốc, người ta lấy từng loại, làm thành 1 thang. Bún thang có nghĩ là nhiều món kết hợp", người phụ nữ lớn tuổi cho hay.