Nàng tiên cá nổi tiếng bất ngờ bị... hắt sơn lem nhem lên người
(Dân trí) - Chỉ tháng trước, bức tượng nàng tiên cá nổi tiếng ở Đan Mạch bị hắt sơn màu đỏ, thì mới đây, tác phẩm này tiếp tục bị phá hoại một lần nữa bằng sơn đủ màu trên người.
Một người dân đi dạo ban đêm phát hiện bức tượng Nàng tiên cá nổi tiếng bị phá hoại và báo cho cảnh sát. Được biết, bức tượng đồng bị đổ sơn màu xanh và trắng lem nhem lên phần thân người.
Phía cảnh sát cho biết, họ đang tiến hành điều tra các nghi phạm, trong đó có đối tượng là "một cô gái tóc vàng với chiều cao chừng 1m70" có liên quan tới vụ việc. Hiện tại vẫn chưa diễn ra bất cứ vụ bắt giữ nào.
Trước đó, ngày 30/5 vừa qua, bức tượng bị các nhà hoạt động vì quyền lợi động vật chống lại việc săn bắt cá voi, đã phun sơn đỏ lên bức tượng. Sau đó, nó lại được phục hồi đúng trạng thái ban đầu.
Bức tượng nàng tiên cá hay "Little Mermaid" nằm trên đá tại cảng Copenhagen, Đan Mạch, thu hút hàng triệu lượt khách tới thăm mỗi năm. Dù không có kích thước "hoành tráng", thậm chí có phần hơi nhỏ bé, nhưng bức tượng là hình ảnh tượng trưng cho thành phố du lịch này. Kích thước nhỏ với chiều cao 1.25m, nặng 175kg của nàng tiên cá khiến những du khách lần đầu chiêm ngưỡng sẽ thấy ngạc nhiên.
Hơn 1 thế kỷ trước, vào tháng 8/1913, bức tượng nàng tiên cá dựa theo câu chuyện cùng tên của nhà văn Đan Mạch nổi tiếng Hans Christian Andersen, được dựng lên ở vùng nước ven trung tâm thủ đô Copenhagen. Đây là tác phẩm bằng đồng của nhà điêu khắc Edward Eriksen, với gương mặt tượng dựa trên hình mẫu từ vợ mình, bà Eline Eriksen.
Cùng thời gian, tượng nàng tiên cá trải qua nhiều biến cố thăng trầm. Là biểu tượng tiêu biểu của thành phố cảng Copenhagen, vô hình chung, bức tượng trở thành đích ngắm của những kẻ ưa phá hoại các công trình văn hóa, hay liên quan tới phong trào phản kháng khác nhau. Tháng 4/1964, phần đầu của bức tượng bị những nhà hoạt động chính trị cưa và lấy mất. Chiếc đầu cũ không được gắn lại và người ta phải tạo ra chiếc đầu mới, gắn trả vào tượng cũ.
Hơn 20 năm sau, vào đêm tháng 7/1984, cánh tay phải của tượng tì trên mặt đá lại bị lấy mất. Sau khi cảnh sát truy lùng ráo riết đã tìm thấy. Tháng 1/1998, một lần nữa đầu tượng bị cưa mất, rồi tìm thấy ở gần cổng đài truyền hình Copenhagen.cách đó không xa. Năm 2006, chính quyền thành phố quyết định di chuyển bức tượng nổi tiếng khỏi chỗ cũ, đồng thời đặt thiết bị báo động đề phòng sự phá hoại.
Dù nhiều lần bị phá hoại nhưng "nàng tiên cá nổi tiếng" cũng từng được "xuất ngoại" với chuyến đi xuyên đại dương. Trong gần nửa năm, từ tháng 5 đến tháng 10/2010, bức tượng có mặt trong gian hàng của Đan Mạch trong suốt thời gian diễn ra Hội chợ triển lãm quốc tế World Expo 2-10 tổ chức tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.
Hoàng Hà
Theo TL, WK