Mùa đông lên Sông Mã thưởng thức món rêu nướng

(Dân trí) - Rêu không phải món ăn xa lạ với đồng bào người Thái tỉnh Sơn La, nhất là người Thái ở Vùng thượng nguồn sông Mã. Với hương vị lạ, đặc trưng, các món ăn chế biến từ rêu đang ngày càng hấp dẫn và được nhiều người biết đến.

Trong các món ăn được chế biến từ rêu thì đặc biệt nhất là món rêu nướng. Cách chế biến công phu, cách thưởng thức độc đáo đã tạo nên sự hấp dẫn của món ăn này.

Rêu nướng, món ăn hấp dẫn nhiều người

Rêu nướng, món ăn hấp dẫn nhiều người

Rêu ban đầu được đồng bào Thái vớt lên từ đầu nguồn của sông Mã hay các con suối trong vùng, vì những nơi này rất sạch, không bị nhiễm tạp chất. Rêu chỉ được hái vào tháng 10, 11 (âm lịch), lúc này nước rút, không chảy mạnh nên rêu phát triển rất tốt ở những vùng nước nông. Hái rêu phải chọn những khóm rêu xanh thẫm, ngập sâu trong nước, mọc dài tua tủa. Người hái nhẹ nhàng dùng tay vớt phần ngọn rêu còn đong đưa trong làn nước thì rêu mới không có cát bám vào. Vớt rêu xong phải rửa lại qua nước vài lần, nhặt hết sạn còn dính trên chân rêu, sau đó phơi khô dưới nắng.

Rêu khô thường có màu nhạt hơn so với lúc còn tươi, không có mùi, các sợi rêu không rời ra nhưng không bị bết chặt lại. Người Thái thường có nhiều cách chế biến các món ăn từ rêu, phổ biến nhất là canh rêu nấu móng giò, canh rêu nấu thịt gà, rêu đồ nhưng ngon nhất vẫn là rêu nướng.

Rêu sau khi làm sạch, phơi khô được kẹp vào vỉ, nướng trên than hồng. Khi nướng, để vỉ rêu cách xa bếp cho rêu nóng từ từ vì sợi rêu rất mỏng, để gần than dễ bắt cháy. Khi rêu bắt đầu nóng, khô cong, có màu ngả vàng là đạt yêu cầu. Người nướng phải thật khéo, biết ước lượng khoảng cách đặt vỉ để rêu không bị cháy hoặc chín không đều.

Thưởng thức món rêu nướng không thể thiếu bát chẳm chéo

Thưởng thức món rêu nướng không thể thiếu bát chẳm chéo

Ăn cùng với rêu nướng là bát chẳm chéo được chế biến công phu. Để có bát chẳm chéo phải chuẩn bị khá nhiều nguyên liệu: Tỏi ta, ớt nướng khô, lá mùi, lá tỏi, hạt mắc khén, lá chanh tươi, muối rang,… Tất cả ước lượng vừa ăn rồi cho vào cối giã nhuyễn, rót thêm một chén nước cho ngập sâm sấp. Bát chẳm chéo đạt yêu cầu phải có màu đỏ lựng của ớt lẫn trong màu xanh của lá mùi và tỏi. Khi nếm có vị cay xé lưỡi, đồng thời lại có vị ngọt, vị tê tê và mùi thơm đặc trưng.

Sợi rêu ngọt, dai, khi ăn lại bùi, ăn cùng chẳm chéo lại càng hòa lẫn nhiều hương vị, ban đầu là vị cay xé lưỡi của ớt nướng cùng mùi tỏi thơm nồng sộc vào sống mũi, rồi đến vị ngòn ngọt, tê tê của hạt mắc khén…tạo nên một hương vị đặc biệt, ăn một lần rồi khó quên. Ăn rêu nướng, ngon nhất là lúc tụ tập đông người, vừa thưởng thức món ăn lạ vừa nhấp chút rượu cần thơm nồng của người Thái, nói chuyện rôm rả, không khí tươi vui.

Những năm gần đây, rêu không còn xa lạ với du khách ngược xuôi khi về thăm Sông Mã. Mỗi người đến đây, ai cũng muốn mua được một ít rêu khô mang về làm quà cho gia đình. Người Thái Sông Mã hiếu khách còn dành riêng những phần rêu ngon biếu khách quý như một món quà đặc biệt của vùng thượng nguồn con sông quê mình.

Tặng Đào