Món ngon đậm hồn quê của Bình Định

(Dân trí) - Mảnh đất miền Trung đầy nắng gió không chỉ làm hài lòng du khách với những thắng cảnh thơ mộng mà còn níu chân người đến với những món ăn ngon đến quên cả đất trời. Ẩm thực Bình Định rất phong phú, vừa rẻ, vừa ngon mà mỗi món ăn đều chứa đựng nét dân dã của vùng đất này.

Mực ngào tỏi ớt

Không khó để tìm mua mực ngào tỏi ớt bởi chúng được bán ở hầu hết các quán hàng ven biển hoặc trong thành phố. Mực ngào tỏi ớt là tặng phẩm được người dân miền biển rất ưa chuộng.

Từ những con mực tươi sống, qua sơ chế, mực được tẩm ướp nhiều gia vị tổng hợp mang đậm hương vị miền duyên hải. Thực khách sẽ bị kích thích bởi vị ngọt hấp dẫn trong từng thớ thịt của mực ngay lần thử đầu tiên.

Khô mực có vị cay cay, chút mặn, chút vị ngọt của mực, đảm bảo ăn sẽ nhớ mãi.
Khô mực có vị cay cay, chút mặn, chút vị ngọt của mực, đảm bảo ăn sẽ nhớ mãi.

Mực ngào là món ăn tuyệt vời để nhâm nhi trong những cuộc vui cùng người thân, bạn bè. Mực ngào ớt có vị cay cay của tương ớt, chút mặn mặn và vị ngọt của mạch nha, đảm bảo người thưởng thức sẽ nhớ mãi hương vị độc đáo của món ăn này.

Tré

Tré là món ăn phổ biến ở nhiều tỉnh miền Trung. Mỗi địa phương có cách làm riêng, nhưng tré Bình Định được du khách gần xa nhớ tới bởi cái vị chua chua, ngọt ngọt, thơm dịu và đặc biệt là hình dáng giống cán chiếc chổi rơm thơm mùi lúa mới.

Tré Bình Định chủ yếu được làm từ thịt tai heo, thịt ba chỉ cùng với gia vị đặc trưng: vừng (mè), thính, riềng, ớt hiểm, lá ổi non để cuốn bên ngoài, tỏi… Tré được ủ lên men một cách tự nhiên, sau 2 đến 3 ngày sẽ tự chín, các gia vị sẽ thấm đều vào nhau để tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn.

Tré gói trong lá ổi chấm cùng tương ớt thì không còn gì ngon bằng.
Tré gói trong lá ổi chấm cùng tương ớt thì không còn gì ngon bằng.

Khi ăn, người ta sẽ lột tré ra, dùng đũa đánh tơi các miếng thịt với nhau, rồi bày trên đĩa. Món này có thể cuốn với bánh tráng và rau sống (rau thơm, dưa leo, chuối chát…), đồ chua (đu đủ, cà rốt thái sợi, củ kiệu…) chấm nước mắm ớt tỏi hoặc tương ớt.

Món Tré thường được dùng như món khai vị trong các bữa tiệc. Khi ăn tré Bình Định, vị giác và thính giác của bạn sẽ được đánh thức bởi vị mặn, ngọt, béo, chua, cay, chát và mùi hương đồng gió nội của rơm.

Bánh tráng nước dừa

Ngoài Bến Tre, Tam Quan nổi tiếng là nơi có nhiều dừa ở Việt Nam. Dừa được người dân trồng ở khắp nơi, chủ yếu là giống dừa ta trái to và cơm dày, rất thích hợp để làm bánh tráng nước dừa. Không giống các nơi khác, bánh tráng nước dừa Tam Quan ở huyện Hoài Nhơn có kích thước to và dày hơn hẳn.

Thành phần gồm bột gạo xay trộn với nước cốt dừa, dừa nạo, mè, tiêu, hành tím xắt lát mỏng và muối hạt, sau đó tráng trên khuôn to.
Thành phần gồm bột gạo xay trộn với nước cốt dừa, dừa nạo, mè, tiêu, hành tím xắt lát mỏng và muối hạt, sau đó tráng trên khuôn to.

Vì bánh quá dày nên không thể nhúng nước ăn được mà phải nướng. Kích thước của bánh to nên khi nướng phải lật đều, nướng kỹ và phải nướng bằng lửa than thì bánh mới ngon, giòn đều. Chiếc bánh gặp lửa, phồng lên và vàng ươm mùi hành phi quyện với mùi béo của mè và nước dừa sẽ kích thích thính giác và vị giác của bạn đến tận cùng. Bánh có thể ăn không hoặc kèm với nước chấm như xì dầu, nước mắm gừng đều ngon.

Chình mun Châu Trúc

Cá chình thuộc họ nhà lươn, hay xuất hiện ở những vùng cửa sông, cửa biển, đầm phá nước lợ. Nhưng chình mun thì chỉ có ở vùng đầm Trà Ổ, cũng gọi là đầm Châu Trúc thuộc huyện Phù Mỹ.

Gọi là chình mun vì nó đen chũi như gỗ mun, nổi tiếng thơm ngon và có giá trị bổ dưỡng rất cao.
Gọi là chình mun vì nó đen chũi như gỗ mun, nổi tiếng thơm ngon và có giá trị bổ dưỡng rất cao.

Món chình ngon nhất là được nướng và làm tại chỗ với những gia vị có ngay trong vườn nhà như sả hương, ớt bay, hành hương, đặc biệt là thứ nghệ sẻ (loại nghệ nhỏ, thơm đậm đà) tươi mới nhổ. Mới chỉ ướp thôi nhưng món đặc sản chính đã khiến thực khách phương xa hít hà bởi độ thơm, ngon và mùi cay nồng của các loại gia vị.

Bên cạnh món chình nướng, chình mun om chuối cũng là đặc sản khá độc đáo. Chình om chuối ăn chung với bún tươi là ngon nhất. Nước om vừa có vị ngọt béo của chình và nước cốt dừa, cay nồng của sả ớt nghệ, vừa có chút vị chát của chuối non khiến người ăn dù đã no vẫn chưa muốn buông đũa.

Chim mía

Đến Bình Định, du khách sẽ được giới thiệu món chim mía khá hấp dẫn. Chim mía có nhiều ở Tây Sơn- vùng đất trồng nhiều mía. Một số người dân địa phương có nghề bẫy chim trong những ruộng mía, cung cấp trực tiếp cho các quán ăn. Bởi vậy, chim mía Tây Sơn thường tươi, ngon, nướng hay quay cả con đều rất ngọt.

Có một kinh nghiệm của người dân nơi đây là khi chọn chim mía để ăn nên chọn những con mỏ ngắn, đầu nhỏ.
Có một kinh nghiệm của người dân nơi đây là khi chọn chim mía để ăn nên chọn những con mỏ ngắn, đầu nhỏ.

Chim rán xong ăn miếng nào thấm miếng đó. Chim mía chiên mang vị dai của thịt, giòn của xương, béo của da và nhai kỹ sẽ thấy vị ngọt. Đặc biệt, thưởng thức những món ăn ngon Bình Định như chim mía cùng chén rượu Bàu Đá cay nồng thì không còn gì bằng

Bánh hỏi cháo lòng

Bánh hỏi là đặc sản Bình Định, ngon nhất là ở Diêu Trì. Thật ra, bánh hỏi cháo lòng là hai món ăn khác nhau nhưng lại được người dân kết hợp với nhau tạo nên món ăn thú vị.

Người dân Bình Định có thói quen ăn bánh hỏi bất cứ lúc nào trong ngày, có thể ăn sáng, ăn trưa, ăn tối thậm chí là ăn trừ cơm, cũng vì lí do này mà món bánh hỏi ở đây có phần đặc sắc và được "chăm chút kỹ lưỡng" hơn những nơi khác.

Bánh hỏi cháo lòng- món nhớ của người Bình Định khi xa quê.
Bánh hỏi cháo lòng- món nhớ của người Bình Định khi xa quê.

Bánh hỏi là biến thể của bún tươi. Còn cháo được nấu khá loãng, bằng huyết ninh với nước cốt hầm từ xương và lòng lợn. Cháo vừa ngọt lại vừa thơm, ăn cùng với đĩa lòng lợn được chế biến khéo léo khiến món ăn này trở nên ngon ngọt khác thường.

Bánh ít lá gai

Là thứ bánh đơn sơ, mộc mạc và hồn hậu như con người đất Võ nhưng bánh ít lá gai với hương vị ngọt lành luôn hấp dẫn du khách.

Để làm được chiếc bánh ít, người làm phải trải qua nhiều công đoạn.
Để làm được chiếc bánh ít, người làm phải trải qua nhiều công đoạn.

Vào những ngày giỗ, tết…sau khi cúng tổ tiên ông bà xong, đĩa bánh ít được bưng xuống làm món ăn tráng miệng cho mọi người. Vừa ăn bánh vừa nhâm nhi ly trà nóng trong miệng mới cảm nhận được hết cái ngon, cái tao nhã của loại đặc sản này.

Bánh ít lá gai dẻo, thơm, ăn không dính răng với vị ngọt của đường, vị thơm của nếp, vị bùi của đậu xanh, hương cay nồng của gừng tạo thành một món ăn đậm đà hồn quê Bình Định.

Hoàng Ngọc

Tổng hợp