Món ăn “kinh dị” vừa nghe đã rợn người: Thưởng thức thịt lợn sống

(Dân trí) - Món hamburger truyền thống của người Đức làm thưởng thức với thịt lợn còn tươi sống khiến nhiều thực khách khá e dè không dám thử.

Thưởng thức món thịt lợn sống của người Đức

Nhắc đến các món ăn tươi sống, nhiều người hẳn sẽ nghĩ ngay về sushi Nhật Bản. Trên thực tế, trong bản đồ ẩn thực thế giới, kiểu thưởng thức dạng “ăn tươi nuốt sống” thực phẩm không cần qua đun nấu xuất hiện khá phổ biến nhiều quốc gia. Một trong số đó, Đức góp mặt trong danh sách với món bánh humburger thịt lợn sống mang tên Hackepeter, hay còn gọi là Mett.

Món ăn “kinh dị” vừa nghe đã rợn người: Thưởng thức thịt lợn sống - 1
Món bánh humburger làm hoàn toàn từ thịt lợn tươi sống không qua đun nấu của người Đức

Trong tiếng Đức, Mett có nghĩa là “thịt lợn băm nhỏ”. Bởi vậy, thành phần chính của món ăn đương nhiên sẽ là thịt lợn sống xay nhuyễn. Người chế biến sẽ sử dụng món thịt xay cho thêm muối, hạt tiêu, tỏi, rồi nắm thành khối thịt lớn.

Ở miền bắc nước Đức, người ta gọi nó là Hackpeter. Nếu cho thêm hành tây thái nhỏ, món ăn gọi là Zwiebelmett; cho thêm loại thảo mộc có tên marjoram, thì món ăn lại gọi là Thüringer Mett. Tuy nhiên, cho dù có thể gọi với nhiều tên khác nhau, nhưng món ăn có chung đặc điểm đó là không qua chế biến làm chín, mà thực khách sẽ thưởng thức hương vị tươi sống nguyên bản nhất.

Món ăn được kiểm soát với nguyên tắc nghiêm ngặt

Những cửa hàng bán thịt tại Đức luôn được hướng dẫn nghiêm ngặt để tuân thủ quy trình khi bán sản phẩm thịt làm món Mett.

Món ăn “kinh dị” vừa nghe đã rợn người: Thưởng thức thịt lợn sống - 2
Thưởng thức hoàn toàn bằng thịt lợn sống, nên Mett thường xuyên nằm trong danh sách “những món ăn kinh dị trên thế giới”

Chẳng hạn, thịt lợn luôn được giữ ở nhiệt độ 2 độ C. Thịt lợn bán trong ngày, được xay bằng máy xay thô. Món thịt làm Mett cần sử dụng từ loại cơ bắp không gân, với hàm lượng chất béo không quá 35% để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn có lượng chất béo lớn, gọi là schmierig, mang ý nghĩa “béo ngậy” trong tiếng Đức.

Ăn như thế nào?

Mett lần đầu xuất hiện ở Đức vào những năm 1970 của thế kỷ trước. Khi đó, thực khách sẽ thưởng thức trực tiếp, mà không ăn kèm với bánh mỳ.

Món ăn “kinh dị” vừa nghe đã rợn người: Thưởng thức thịt lợn sống - 3
Thịt lợn để chế biến thành món Mett luôn được kiểm duyệt rất nghiêm ngặt

Ngày nay, cách thưởng thức Mett phổ biến nhất là dùng cùng brötchen (bánh mỳ hoặc lát bánh mỳ) với hành tây thái vòng tròn đặt phía trên, rắc thêm hạt tiêu. Đôi khi, người ta ăn kèm phô mai hoặc bơ để giảm bớt mùi tanh từ thịt sống.

Khá đơn giản trong nguyên liệu cũng như cách chế biến, nhưng món hamburger thịt sống của người Đức khiến nhiều thực khách ngoại quốc e dè khi lần đầu thưởng thức.

Mett có thể nấu chín

Người Đức vẫn có thể ăn món Mett được nấu chín nếu muốn. Khi đó, món ăn được đun nấu như xúc xích, trộn thêm các gia vị khác, nướng thành thịt viên rồi ăn kèm với bánh mỳ.

Hoàng Hà

Theo Thespruceeats/ WK

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm