Man rợ hủ tục ép bé gái phải quan hệ trước khi trưởng thành

Memory Banda đã vượt qua được hủ tục man rợ của người dân quê hương mình và xuất hiện trong một phóng sự do tờ Guardian của Anh thực hiện, nhằm lên án tục lệ man rợ vẫn tồn tại ở Malawi.

Tại đất nước châu Phi này, cứ 10 em gái thì có 5 em kết hôn trước tuổi 18. Em gái của Banda đã lấy chồng khi mới 11 tuổi, nhưng Banda quyết tâm hoàn thành việc học. Khi các cô gái trong làng bị ép phải quan hệ tình dục, Banda đã mở lớp học xóa mù chữ cho họ.

 

Là con lớn nhất trong gia đình có 6 anh chị em, Banda không thể quên được kusasa fumbi, một nghi thức “thanh tẩy tình dục” truyền thống thường gặp ở miền Nam Malawi. Trong nghi thức này, các bé gái bị ép phải quan hệ tình dục với một người đàn ông lớn tuổi hơn để “thanh tẩy thời thơ ấu” và chuẩn bị bước vào tuổi trưởng thành.

 

Người đàn ông được gọi là “linh cẩu” trong nghi thức này sẽ được cộng đồng trả tiền để đi khắp các làng và quan hệ tình dục với những bé gái từ 9 tuổi trở lên. Những cô bé này sau đó thường khó tránh khỏi việc mang thai ngoài ý muốn, thậm chí còn có thể bị lây nhiễm HIV.

 

Man rợ hủ tục ép bé gái phải quan hệ trước khi trưởng thành
Hủ tục ở Malawi đã khiến 44.000 trẻ em gái đang học tiểu học phải bỏ học để kết hôn hoặc vì đã mang thai. (Nguồn: Guardian)



Hành động này đã vi phạm những quyền con người cơ bản của các bé gái và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Theo bác sĩ Howard Kasiya, một chuyên gia sức khỏe và giám đốc Mạng lưới Bảo vệ Các em gái tuổi vị thành niên ở Malawi, “quốc gia này là một trong những nơi có tỉ lệ bà mẹ tử vong cao nhất thế giới và có tới 10% dân số dương tính với HIV. Bị ép phải thực hiện kusasa fumbi thường là bản án tử cho các bé gái.”

 

Nhiều em gái phải trải qua kusasa fumbi đã buộc phải kết hôn và bỏ dở việc học. Một báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho thấy từ năm 2010 đến 2013, đã có 44.000 trẻ em gái đang học tiểu học ở Malawi đã phải bỏ học để kết hôn hoặc vì đã mang thai.

 

Năm 2011, Memory Banda đã gặp gỡ Faith Phiri, đồng sáng lập Mạng lưới Trao quyền cho Phụ nữ (Genet) ở Malawi. Phiri đã mời Banda tham gia chiến dịch chấm dứt hôn nhân trẻ em của Genet.

 

Genet đã tiến hành một nghiên cứu với 40 em gái từ các làng để thấy được sự phổ biến của kusasa fumbi và hôn nhân cưỡng bức. Tổ chức này cũng thiết kế một chương trình kể chuyện gọi là “Dòng sông cuộc đời,” trong đó mỗi em gái có thể chia sẻ câu chuyện của mình qua tranh vẽ, thơ hay văn về những khó khăn mình gặp phải và bày tỏ hy vọng cho tương lai.

 

Banda và các em gái khác đã chia sẻ về việc các hủ tục gây ra những áp lực, khiến các em phải bỏ học hay có thai như thế nào. Banda cho biết chương trình này đã thay đổi mọi thứ. “Trước đây tôi nghĩ chỉ có một mình mình phải chịu đựng. Nhưng chia sẻ câu chuyện của mình giúp tôi có thêm sức mạnh để biết mình không đơn độc.”

 

“Những câu chuyện và trải nghiệm của các cô bé có sức mạnh rất lớn. Bằng việc lên tiếng, họ có thể tạo ra sự thay đổi,” Phiri cho biết. Genet cũng giáo dục cho các cô gái về kỹ năng lãnh đạo, tự bảo vệ và thuyết trình trước đám đông để họ có thể đề đạt nguyện vọng lên các trưởng làng và Quốc hội.

 

Nỗ lực của các cô gái đã được đền đáp bằng sự ủng hộ của nữ trưởng làng Chitera ở quận Chiradzulu. Genet và các cô gái đã cùng vị trưởng làng này và các trưởng làng khác thiết lập các luật lệ địa phương nhằm xử phạt những người đàn ông thực hiện kusasa fumbi và kết hôn với trẻ em gái. Theo đó, độ tuổi được kết hôn hợp pháp được nâng lên 21 tuổi, những người đàn ông vi phạm quy định này sẽ phải nộp phạt dê, gà và cắt đất. Các bậc cha mẹ cho phép con gái chưa đến tuổi kết hôn lấy chồng sẽ phải dọn dẹp vệ sinh ở trường học địa phương trong 3 tháng.

 

Genet đang hợp tác cùng Hội đồng quận Chiiradzulu và Tổ chức An sinh xã hội để giám sát việc thực hiện các quy định trên. Theo Phiri, “hơn 60 trưởng làng đã thông qua các quy định và luật lệ này, giúp bảo vệ hàng ngàn trẻ em gái khỏi hôn nhân trẻ em.”

 

Đánh giá của Liên Hợp Quốc cũng cho thấy những người đứng đầu các cộng đồng ở Malawi đã coi kusasa fumbi và hôn nhân trẻ em là nỗi hổ thẹn, và đã sáng lập Quỹ Giáo dục giúp các em gái quay lại trường học.

 

Mặc dù mạng lưới bảo vệ trẻ em gái của Ganet quyết tâm thúc đẩy một điều luật quốc gia nhằm nâng độ tuổi kết hôn hợp pháp từ 16 lên 18, nhưng mạng lưới này cũng đang phải đối mặt với những hạn chế về cam kết chính trị. Tuy nhiên họ vẫn bền bỉ với các hoạt động của mình nhằm đạt được mục tiêu trên.

 

Các cộng đồng ở Malawi cũng đang dần thông qua những chiến lược tiến bộ để loại bỏ kusasa fumbi và hôn nhân trẻ em. Genet đang hợp tác với các trưởng làng để vừa duy trì những truyền thống văn hóa tích cực, vừa giáo dục cho trẻ em gái các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống để trở thành những phụ nữ mạnh mẽ.

 

Memory Banda hiện đang học cao đẳng ở Malawi. Cô thường xuyên cùng tổ chức Genet và Let Girls Lead vận động các cô gái lên tiếng để tự bảo vệ mình.

 

“Bạn không bao giờ biết mình là một nhà lãnh đạo cho tới khi bạn đứng lên. Hãy giúp những trẻ em gái có cơ hội phát triển. Hãy lan tỏa sức ảnh hưởng của sự thay đổi”, Banda chia sẻ./.

 

Theo My Nguyễn

Vietnam+

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm