Loạt tàu biển không được cập cảng Việt Nam: Chống dịch nhưng đừng đóng cửa
(Dân trí) - Liên quan đến việc các tàu du lịch bị hạn chế cập cảng Việt Nam, nhiều doanh nghiệp du lịch cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều hãng tàu biển du lịch hủy đến Việt Nam
Sau khi Quảng Ninh từ chối tiếp nhận tàu du lịch Aida Vita (Italia) chở hơn 1.000 khách toàn bộ quốc tịch châu Âu, liên tiếp hàng loạt tàu biển cũng thông báo hủy bỏ hải trình tới điểm đến Việt Nam.
Cụ thể, tàu Aida Vita dự kiến cập cảng Hạ Long ngày 13/2, nhưng tỉnh Quảng Ninh đã từ chối cho cập cảng vì lý do phòng chống dịch Covid-19.
Do đó, tàu Aida Vita đã quay đầu và hủy luôn kế hoạch vào 3 cảng tiếp theo của Việt Nam là Đà Nẵng (15/2), Nha Trang (17/2) và TP.HCM (18/2). Sau khi bị từ chối ở Việt Nam, tàu Aida Vita đã được Thái Lan, Malaysia và Singapore đồng ý tiếp nhận.
Được biết, hải trình của tàu Aida Vita xuất phát từ Bali (Indonesia) ngày 17/1 qua 9 cảng thuộc Australia, Indonesia, Singapore, Brunei, Malaysia, Philippines và không dừng tại cảng nào của Trung Quốc hay Hong Kong trước khi tới Hạ Long.
Hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu Aida Vita cũng không có khách quốc tịch châu Á.
Ngay sau đó, hàng loạt hãng tàu khác cũng ngay lập tức hủy bỏ điểm đến Việt Nam, cụ thể là thông báo hủy tour tới Nha Trang ngay trong tháng 2-3/2020.
Đó là các tàu Norwegian Cruises (ngày 14/2 và 19/2), tàu Aida Cruises (ngày 17/2), tàu Celebrity Cruises (ngày 18/2 và 20/2), tàu Tui Cruises (ngày 7/3)…
Phía Saigontourist cũng thông tin, chỉ trong tháng 2/2020, các đối tác tàu biển của công ty đã hủy 4 đến 5 chuyến tàu đến Việt Nam, trung bình mỗi tàu có khoảng 2.500 khách. Tổng cộng công ty mất 13.000 hành khách.
Nếu tàu không đi qua vùng dịch thì tại sao lại từ chối?
Liên quan đến việc các tàu du lịch bị hạn chế cập cảng Việt Nam, nhiều doanh nghiệp du lịch cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt cho hay, nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu hút khách du lịch thời gian tới.
"Hầu như tất cả các hãng đều hủy lịch trình, do điểm đầu từ Hồng Kông, Đài Loan đã bị hủy. Hiện các hãng cũng đang sắp xếp lộ trình nhưng cũng rất khó khăn.
Vừa rồi, cảng Hạ Long đã ra thông báo, các tàu phải gửi danh sách du khách về cho Sở Du Lịch trước 5 ngày để Sở xin ý kiến UBND tỉnh. Quy định này là khó vì hiện chưa rõ thời gian Sở xin ý kiến là bao nhiêu ngày, nếu khi mình gần đến nơi mà Sở không đồng ý thì lúc đó lại hủy, tàu lại không biết đi đâu", ông Phan Xuân Anh chia sẻ.
Cũng theo ông Phan Xuân Anh, hiện lượng khác đặt vé trước chỉ khoảng 50%, 50% du khách còn lại thường chỉ mua vé trước 1, 2 ngày trước khi lên tàu. Do vậy, việc báo cáo danh sách du khách trước 5 ngày cũng khó cho doanh nghiệp.
"Việc chống dịch là ai cũng phải làm nhưng mình làm sao chống dịch được nhưng phải duy trì hoạt động như thế nào để phù hợp là điều quan trọng. Nếu tàu không có hành trình đi qua vùng dịch, khách cũng không đến từ vùng có dịch thì không nên hạn chế.
Bây giờ tàu du lịch không vào thì bao nhiêu thuyền nhỏ không có người đi, ban quản lý vịnh không có khách thăm, các dịch vụ đều ngưng trệ. Ảnh hưởng đến quá trình thu hút khách du lịch thời gian tới", ông Phan Xuân Anh nhấn mạnh.
Việc các tàu quốc tế đồng loạt hủy lịch trình đến Việt Nam không chỉ gây ảnh hưởng cho các công ty du lịch, mà còn cả điểm đến Việt Nam.
Ông Nguyễn Công Hoan (Giám đốc HanoiRedtours, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam) cũng cho rằng, việc “chống dịch như chống giặc” nhưng không phải vì dịch mà dừng lại hết các hoạt động du lịch.
“Đơn cử như vừa rồi, tàu Aida Vita không có hành khách quốc tịch Châu Á, tàu cũng không đi qua các điểm có dịch vậy thì tại sao chúng ta lại từ chối đón tiếp? Đây là điều rất đáng tiếc và thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp. Hiện nay, các đường bay quốc tế đến các nước không có dịch ở Việt Nam vẫn hoạt động bình thường, vậy tại sao đường biển lại dừng?”, ông Hoan đặt câu hỏi.
Cũng theo ông Hoan, chúng ta có thể học tập Thái Lan, họ chống dịch nhưng vẫn có những chính sách đảm bảo thu hút khách. Ngoài ra, để tránh việc "lúng túng" như vừa qua, ngành Du lịch cần có những chỉ đạo thống nhất, quy định rõ, khách như thế nào thì được đón, khách như thế nào thì hạn chế.
Liên quan đến sự việc Quảng Ninh từ chối cho tàu Aida Vita cập cảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu UBND tỉnh chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. Địa phương cần đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 nhưng hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và du lịch.
Trước đó, ngày 12/2, Tổng cục Du lịch đã gửi thư đến đối tác quốc tế khẳng định "du khách đến Việt Nam thời điểm này luôn được đảm bảo an toàn". Các điểm tham quan, khu di tích, nhà hàng phục vụ du khách vẫn mở cửa bình thường.
Hà Trang - Phú Thọ